Rau xanh khan hiếm, giá đắt đỏ
Khảo sát ngày 20.9, giá rau xanh tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm do nguồn cung vẫn khan hiếm.
Sau 2 tuần cơn bão số 3 Yagi đi qua, các mặt hàng thực phẩm vẫn được cả người mua, người bán quan tâm, đặc biệt là rau xanh.
Ghi nhận tại chợ tạm Hợp Nhất (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội), giá rau muống vẫn ở ngưỡng 20.000 đồng/mớ, rau ngót 17.000 đồng/mớ. Trong khi trước bão, các loại rau này chỉ dao động từ 10.000 đồng/mớ.
Chị Đinh Thị Thủy – một tiểu thương tại chợ tạm Hợp Nhất – cho biết: “Bình thường, sáng ra, 3 kệ rau phải đầy ắp, đủ các mặt hàng từ cải canh, rau rút, rau dền… nhưng giờ kệ rau bày ra cũng chỉ giống với khối lượng chiều muộn. Nhập vào đã đắt nên không có rau mà bán, may ra phải tầm tháng nữa, giá cả, nguồn cung mới quay trở lại như lúc đầu”.
Một số tiểu thương trồng rau xanh tại Hưng Yên, tập trung bán tại chợ cũng chia sẻ: “Cái gì cũng đắt, dù “của nhà trồng được”. Cả chị cả em thay nhau gieo trồng, cũng không kịp có đa dạng các loại rau xanh để bán”.
Cùng với đó, giá thịt lợn hơi cũng tăng đáng kể lên tới 10.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ từ 160.000 đồng lên 170.000 đồng/kg, thịt chân giò dao động trong khoảng 120.000 đồng/kg, sườn tuỳ loại từ 140.000 – 160.000 đồng/kg.
Chị Đỗ Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 20.9 đi chợ cũng phải chấp nhận giá một vài mặt hàng thực phẩm đắt đỏ. Chị Thủy cho biết: “250.000 đồng/kg thì là. Tôi quá sốc. Người bán còn nói đang bán không có lãi vì rau rất hiếm, tăng giá để lấy lãi thì không ai mua”.
Trao đổi với nhân viên Winmart+ dưới các tòa nhà chung cư khu vực Cầu Giấy, giá các loại rau xanh như bắp cải, cải ngọt, rau muống vẫn dao động ở mức 20.000 – 21.000 đồng/mớ. Khách hàng cũng không có nhiều sự lựa chọn rau xanh vì chủ yếu là những loại rau cơ bản với số lượng ít hơn nhiều so với đợt trước mưa bão.
Đứng trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 92 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Các bộ, ban, ngành cũng đã phối hợp, triển khai các hoạt động sản xuất nhằm ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung.
Nguồn: Báo Lao Động – Thanh Bình