Lấn biển – Bí quyết của những quốc gia phát triển phi thường
Các dự án lấn biển táo bạo từ Nhật Bản, UAE đến Singapore đã tạo đột phá kinh tế và mang tầm vóc quốc tế cho các quốc gia.
Những bước đi đầu tiên trong hành trình lấn biển
Hoạt động lấn biển đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Đất nước Hà Lan, nổi tiếng với các công trình chống ngập lụt, đã bắt đầu lấn biển từ thế kỷ 13, trong khi Nhật Bản triển khai từ thế kỷ 15. Thống kê cho thấy, từ năm 2000 đến nay, diện tích đất lấn biển trên toàn cầu đạt 2.500 km², tương đương diện tích Luxembourg, một quốc gia nhỏ ở Tây Âu. Các nước như Trung Quốc, Indonesia và Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) nằm trong nhóm dẫn đầu về diện tích đất mở rộng nhờ lấn biển.
Hà Lan là một ví dụ điển hình về thành công trong lấn biển. Quốc gia này đã xây dựng khoảng 3.500 công trình liên quan, giúp thay đổi diện mạo lãnh thổ. Một trong những công trình nổi bật là hệ thống đê biển bao gồm 13 con đê dài 16.496 km, 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước và kè ngăn nước, với tổng chi phí lên đến 5 tỷ USD. Người Hà Lan còn có câu nói “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”, thể hiện sự tự hào về lịch sử đắp đê lấn biển lâu đời của mình. Đây được xem là biểu tượng kỹ thuật đỉnh cao, giúp Hà Lan quản lý hơn 26% diện tích quốc gia nằm dưới mực nước biển.
rung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua. Từ năm 1949, quốc gia này đã mở rộng lấn biển tại nhiều tỉnh ven biển như Quảng Đông, Thượng Hải và Giang Tô. Đến thập niên 1990, diện tích đất lấn biển đạt 13.000 km². Các công trình tương tự tại Cape Town (Nam Phi) và nhiều quốc gia khác đã chứng minh rằng lấn biển không chỉ giải quyết bài toán không gian mà còn tạo cơ hội phát triển cảng biển, đô thị và khu nghỉ dưỡng.
Những “kiệt tác” từ bàn tay con người
Một trong những công trình lấn biển nổi tiếng nhất là Palm Jumeirah tại Dubai, được khởi công vào năm 2001 với tổng chi phí lên đến 12,3 tỷ USD. Sau 7 năm, công trình này đã trở thành điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng hàng đầu, thu hút giới đầu tư toàn cầu. Palm Jumeirah được xem là “mỏ vàng” của thị trường bất động sản Dubai, khi chiếm 39% giao dịch bất động sản cao cấp trong năm 2023.
Singapore, một trong những quốc gia có diện tích khiêm tốn nhất Đông Nam Á, cũng đạt được nhiều thành tựu nhờ lấn biển. Từ những năm 1960, diện tích của Singapore đã tăng từ 581,5 km² lên 697,35 km² vào năm 2017, và dự kiến mở rộng thêm 100 km² vào năm 2030. Tổ hợp Marina Bay Sands, biểu tượng du lịch của Singapore, là minh chứng sống động cho sự thành công của các dự án lấn biển.
Không chỉ tại Đông Nam Á, Nhật Bản cũng để lại dấu ấn với sân bay quốc tế Kansai, nằm trên một hòn đảo nhân tạo tại Osaka. Để xây dựng công trình này, Nhật Bản đã áp dụng kỹ thuật hiện đại như đào 1 triệu giếng cát để ổn định nền móng, xây bức tường bê tông dài 11 km và sử dụng 180 triệu m³ đất. Sân bay Kansai không chỉ phục vụ giao thông mà còn là biểu tượng của công nghệ xây dựng tiên tiến.
Hướng đến phát triển bền vững
Lấn biển là hoạt động yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Các quốc gia như Hà Lan, Australia hay Trung Quốc đều ban hành luật chi tiết về quy trình lấn biển. Tại Hàn Quốc, mọi dự án phải được lập kế hoạch trước 5 năm và thông qua các cấp chính quyền để đảm bảo tính khả thi.
Ở Việt Nam, với hơn 3.000 km đường bờ biển, lấn biển đang trở thành chiến lược phát triển trọng tâm tại nhiều địa phương. Trong thập kỷ qua, hàng loạt dự án lớn đã được triển khai, tiêu biểu như Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329 ha, Khu đô thị Hạ Long Marina (Quảng Ninh) rộng 230 ha hay Dự án Saigon Sunbay (TP.HCM) với diện tích lên tới 2.870 ha.
Những dự án này không chỉ mở rộng quỹ đất mà còn góp phần thay đổi diện mạo địa phương, thúc đẩy du lịch và kinh tế biển. Chẳng hạn, Quảng Ninh hiện có hơn 40 dự án lấn biển, trong đó nhiều dự án đã đóng góp lớn cho ngành du lịch, giúp địa phương này trở thành điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Theo các chuyên gia, để lấn biển đạt hiệu quả, các dự án cần phù hợp với quy hoạch quốc gia và địa phương, đồng thời gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển. PGS.TS Lưu Đức Hải nhận định, các dự án phải được thực hiện đồng bộ, từ khâu hoạch định chính sách đến triển khai thực hiện.
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh rằng lấn biển là hoạt động phức hợp, đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành kinh tế như du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản. Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là Luật Đất đai 2024, Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn để triển khai các dự án lấn biển quy mô hơn, đưa quốc gia tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nhìn từ thành công của các quốc gia trên thế giới, lấn biển không chỉ là giải pháp mở rộng lãnh thổ mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế, vươn mình ra biển lớn trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
“Điều quan trọng là việc lấn biển phải phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, chẳng hạn như liên quan đến quy hoạch không gian biển quốc gia, của mỗi đô thị, sau đó mới đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và liên quan đến các quy hoạch khác. Sự phối kết hợp với các quy hoạch cụ thể ở các tỉnh, thành có biển phải đồng bộ. Tất cả đều phải xuất phát từ nền tảng tư duy, hoạch định chính sách, quy hoạch tổng thể, rồi triển khai thực hiện… đều phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia”, PGS.TS Lưu Đức Hải nêu ý kiến.
Phương Thảo
Nguồn tham khảo: Tiền Phong