Lộ trình phục hồi cổ phiếu ngành bán lẻ còn gặp nhiều thách thức
Cổ phiếu ngành bán lẻ Việt Nam 2025 đang bước vào giai đoạn phục hồi với cơ hội mở rộng mạnh mẽ song vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Bức tranh phục hồi không đồng đều năm 2024
Năm 2024 đã khép lại với những diễn biến trái chiều trong ngành bán lẻ Việt Nam, nơi mà sự phục hồi không diễn ra một cách đồng đều giữa các phân khúc. Các chuỗi bán lẻ công nghệ – điện máy (ICT-CE) đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất với lợi nhuận ròng trung bình tăng gấp 1.2 lần so với năm trước.
Trong khi đó, các chuỗi trang sức cũng có mức tăng trưởng đáng kể, khoảng 10%. Bên cạnh đó, một số “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như WCM và BHX cũng đã đạt được những kết quả khả quan khi có lợi nhuận ròng trong nửa cuối năm. Ở lĩnh vực dược phẩm, Long Châu tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng mỗi cửa hàng/tháng, vượt xa các đối thủ như An Khang hay Pharmacity.
Trong bối cảnh sự tăng trưởng khu vực sản xuất chưa mạnh mẽ và PMI chỉ trên 50 từ tháng 6/2024, xu hướng thắt chặt tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Khảo sát của PwC năm 2024 cho thấy người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá thực phẩm, năng lượng và nhà ở, ảnh hưởng lớn đến chi tiêu.
Cụ thể, 64% dành phần lớn chi cho thực phẩm và 48% cho chăm sóc sức khỏe, trong khi 33% sẽ cắt giảm chi cho hàng xa xỉ và 30% giảm mua sắm đồ không thiết yếu. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chỉ đạt khoảng 5,8% (đã loại trừ lạm phát), chậm hơn so với giai đoạn trước COVID-19 (trung bình 8-9%), cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp do thu nhập chưa cải thiện.
Cơ hội cho ngành bán lẻ năm 2025
Báo cáo của MBS Research cho thấy, năm 2025 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu bao gồm dược phẩm và tạp hóa. Doanh thu LFL của MSN tăng cả ở đô thị lẫn nông thôn trong năm 2024 nhờ sức mua từ cửa hàng tiện lợi, giúp WinCommerce (WCM) đạt lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm. Họ thúc đẩy sản phẩm từ hệ sinh thái Masan Consumer trong mô hình cửa hàng tiện lợi, với doanh thu LFL cao nhất so với mô hình siêu thị trong 9 tháng đầu năm.
Năm 2024, khi người tiêu dùng tập trung vào sản phẩm thiết yếu (thực phẩm, chăm sóc sức khỏe), WinCommerce và Bách Hóa Xanh (BHX) đã triển khai chiến dịch kinh doanh hiệu quả để tăng lưu lượng từ kênh truyền thống. BHX đã tăng cường cung cấp sản phẩm tươi sống và áp dụng chiến lược giá mạnh mẽ, giúp doanh thu mỗi cửa hàng vượt 2 tỷ đồng/tháng và đạt lợi nhuận ròng trong Q2/2024.
Cả MSN và BHX đã thành công trong việc thu hút khách hàng từ chợ truyền thống thông qua các sản phẩm phù hợp và tận dụng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Họ đều có mô hình bán lẻ thực phẩm hiện đại phù hợp với tiêu dùng từng khu vực, với tiềm năng lớn để mở rộng thị trường trong tương lai. Các mô hình bán lẻ hiện đại (Aeon Mall, Go!, BHX, WCM+) đã thành công thu hút khách hàng từ thị trường truyền thống nhờ chiến lược cạnh tranh hiệu quả.
Khuyến nghị những cổ phiếu tiềm năng
Ngoài cổ phiếu thuộc lĩnh vực bán lẻ, ngành dược phẩm cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với CAGR 7% từ 2019-2024, nhờ vào sự phát triển của chuỗi nhà thuốc hiện đại như Pharmacity và Long Châu. Long Châu dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng CAGR lên tới 74%, nâng tỷ lệ bao phủ dược phẩm hiện đại lên 8% vào năm 2024. Mặc dù vậy, tỷ lệ thâm nhập của chuỗi nhà thuốc hiện đại vẫn dưới 10%, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Song song đó đây cũng là thời điểm phục hồi cho ngành điện tử tiêu dùng (ICT-CE) sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Tổng số cửa hàng của các chuỗi lớn như Thế Giới Di Động (TGDD) và Điện Máy Xanh (DMX) đã được ổn định, tập trung vào việc tối ưu hóa chi phí và cải thiện hiệu quả vận hành.
Nhu cầu đối với sản phẩm tích hợp công nghệ cao như smartphone 5G, thiết bị gia dụng thông minh dự kiến tăng trưởng 9%. Giá bán trung bình của các sản phẩm ICT-CE cũng sẽ tăng khoảng 5%, góp phần thúc đẩy doanh thu ngành lên 13%.
Ngành trang sức tiếp tục đối mặt với sự suy giảm do nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ và biến động giá vàng, khiến người tiêu dùng ưu tiên giao dịch vàng miếng và nhẫn vàng. Ngoài ra, các chuỗi trang sức hiện đại chỉ chiếm khoảng 5% tổng thị trường, cung cấp cơ hội phát triển cho doanh nghiệp có lợi thế về sản xuất và thiết kế. Điển hình là thương hiệu PNJ dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá sản phẩm và duy trì tăng trưởng vượt trội nhờ vào chiến lược marketing và khả năng thiết kế sản phẩm.
Cũng trong báo cáo MBS Research, cổ phiếu MWG được khuyến nghị mua với giá mục tiêu 80,500 VNĐ, tập trung vào mảng bán lẻ ICT-CE. Bên cạnh đó, cổ phiếu FRT (giá mục tiêu 199,000 VNĐ) có tiềm năng tăng trưởng nhờ vào các chuỗi cửa hàng hiện đại, trong khi cổ phiếu PNJ (115,400 VNĐ) tiếp tục mở rộng mạng lưới với mục tiêu 405 cửa hàng trong năm 2024.
Và cuối cùng là cổ phiếu DGW (giá mục tiêu 49,200 VNĐ) sẽ khai thác thị trường ICT-CE bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao. Tất cả các công ty đều có khả năng tăng trưởng cổ phiếu đáng kể trong giai đoạn 2025-2026.
MBS cũng lựa chọn hai cổ phiếu là MWG và PNJ cho chiến lược đầu tư năm 2025 với lý do cổ phiếu MWG dự kiến lợi nhuận ròng từ TGDD và DMX sẽ tăng 21% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tử trở về bình thường, đồng thời BHX dự kiến lãi khoảng 600 tỷ đồng tại khu vực miền Trung.
Thêm vào đó cổ phiếu PNJ cũng được xem là hấp dẫn với định giá P/E fw 25 khoảng 13x, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 16.6x và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận ròng 16% so với cùng kỳ trong năm 2025.
Minh Thư
Xem thêm tin: Tại đây