Sau thời gian đối mặt với áp lực giảm giá, các doanh nghiệp cao su đã cải thiện tình hình tài chính nhờ sự tăng mạnh của giá mủ trong quý vừa qua.
Giá bán cao su bật tăng. Ảnh minh họa
Giá bán cao su bật tăng
Trong quý 3/2024, nhiều doanh nghiệp cao su niêm yết đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá bán mủ cao su. Điển hình là Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR), khi doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 317,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tăng 71,2%, đạt 32,5 tỷ đồng, nhờ giá bán mủ cao su cải thiện.
Không chỉ có doanh thu từ hoạt động cốt lõi, Phước Hòa còn hưởng lợi từ khoản cổ tức của Công ty Cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn, giúp doanh thu tài chính tăng vọt 602,5% so với cùng kỳ, lên mức 21,5 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 32,5 tỷ đồng, cao gấp 45,6 lần so với quý 3/2023.
Tuy nhiên, tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Phước Hòa ghi nhận doanh thu 772 tỷ đồng, tăng 18,4% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 61,6 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này chủ yếu do kết quả kinh doanh kém khả quan trong nửa đầu năm. So với kế hoạch năm 2024 là doanh thu 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 245 tỷ đồng, công ty mới chỉ hoàn thành 53% chỉ tiêu doanh thu và 25,1% mục tiêu lợi nhuận.
Một doanh nghiệp khác trong ngành là Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Doanh thu thuần trong quý 3 đạt 348,3 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 61,1 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Đặc biệt, nhờ giá bán mủ cao su bình quân tăng 41%, doanh nghiệp này dù tiêu thụ thấp hơn 3,2% sản lượng vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng, Đồng Phú đạt doanh thu thuần 767,7 tỷ đồng, tăng 25,5%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 202,8 tỷ đồng, tăng trưởng 31,1%. Với kế hoạch năm 2024 là doanh thu 838 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành hơn 91% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã chứng khoán: TRC) cũng có một quý kinh doanh thành công với doanh thu thuần 220,7 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 73,1 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ, nhờ giá bán cao su tăng mạnh. Sau 9 tháng, doanh thu thuần đạt 456,7 tỷ đồng, tăng 31,6%, còn lợi nhuận sau thuế đạt 101,3 tỷ đồng, vượt 42,7% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã chứng khoán: DRI) cũng chứng kiến sự phục hồi rõ rệt. Trong quý 3, doanh thu thuần đạt 143,1 tỷ đồng, tăng 53,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giá bán mủ cao su tăng và doanh thu từ các sản phẩm sầu riêng. Lợi nhuận sau thuế đạt 41,7 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, doanh thu thuần đạt 72,3 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp cao su phục hồi nhờ giá bán vào quý 3/2024. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp đứng trước cơ hội vàng
Theo MBS Research, giá cao su RSS3 và TSR20 trên thị trường quốc tế đã tăng lần lượt 83% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng của thời tiết. Xu hướng này đã tác động tích cực đến xuất khẩu cao su của Việt Nam, khi giá bình quân trong tháng 9/2024 đạt 1.697 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình đạt 1.588 USD/tấn, tăng 19%, giúp kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng 12%, dù sản lượng xuất khẩu giảm 6%. Các chuyên gia dự báo giá cao su vẫn sẽ giữ ở mức cao trong thời gian tới nhờ các yếu tố hỗ trợ như nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu phục hồi mạnh từ Trung Quốc và xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang các mục đích khác.
Trong năm 2024, nguồn cung cao su toàn cầu chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,4%, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bệnh rụng lá lan rộng. Thái Lan, Indonesia và Malaysia – các nước trồng cao su chủ chốt – vẫn chưa có kế hoạch mở rộng diện tích, khiến nguồn cung chịu áp lực lớn.
Trong khi đó, nhu cầu cao su thế giới dự kiến tăng 2,3% trong năm nay, chủ yếu từ Trung Quốc. Quốc gia này đang triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ kinh tế, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% và giảm lãi suất repo xuống 1,5%, để kích thích sản xuất, qua đó thúc đẩy nhu cầu cao su.
Các chuyên gia đánh giá xu hướng tăng giá cao su sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Theo MBS Research, các doanh nghiệp như GVR, PHR, TRC sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Dự báo năm 2024, lợi nhuận từ mảng cao su của GVR có thể tăng 40%, kéo lợi nhuận ròng tăng 38%. PHR dự kiến giá bán bình quân tăng 25%, giúp công ty chuyển từ lỗ sang lãi. Trong khi đó, TRC được đánh giá là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất, khi doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc chủ yếu vào giá cao su.
Ngoài ra, một xu hướng đáng chú ý là việc nhiều doanh nghiệp chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp để gia tăng lợi nhuận. GVR đã được phê duyệt chuyển đổi hơn 23.000 ha đất, PHR dự kiến chuyển đổi 10.869 ha, còn DPR sẽ chuyển đổi 1.621 ha. Đây là chiến lược giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tác động tích cực đến giá cao su khi nguồn cung giảm.