Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý 1/2025 giảm sâu
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý 1/2025 giảm 12% so với cùng kỳ và thấp nhất 5 năm, chủ yếu do thiếu phát hành riêng lẻ.

Trong quý 1/2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam gặp khó khăn khi giá trị phát hành mới giảm mạnh, chỉ đạt 25.000 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức thấp nhất trong 5 năm. Tình trạng chậm trả nợ cũng gia tăng.
Giá trị phát hành mới giảm kỷ lục
Thông thường, quý đầu tiên của năm chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả năm, phản ánh yếu tố mùa vụ của thị trường. Tuy nhiên, con số 25.000 tỷ đồng trong quý 1/2025 vẫn là mức thấp chưa từng thấy trong giai đoạn 2019–2024, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh của hoạt động phát hành riêng lẻ.
Chỉ có hai đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.000 tỷ đồng, trong khi phát hành trái phiếu ra công chúng đạt 23.130 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ khối ngân hàng và công ty chứng khoán, phản ánh nhu cầu huy động vốn cao hơn từ các định chế tài chính trong bối cảnh thị trường vốn tái cấu trúc.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đạt 18.604 tỷ đồng, với 97,3% là phát hành ra công chúng. Chỉ có một đợt phát hành riêng lẻ, cho thấy kênh này vẫn “đóng băng” do áp lực pháp lý và sự e ngại của nhà đầu tư.
Tính đến cuối quý 1/2025, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.262 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với tỷ trọng 41,7%, theo sau là các doanh nghiệp bất động sản nhà ở với 30,3%.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.239 tỷ đồng/phiên, tăng 18% so với quý 1/2024. Đáng chú ý, 40% khối lượng giao dịch tập trung vào các trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ 3 đến 4 năm, cho thấy các tổ chức tài chính đang điều chỉnh danh mục đầu tư theo hướng giảm thiểu rủi ro kỳ hạn.
Rủi ro tín dụng trong quý 1 tăng cao với 3 tổ chức phát hành lần đầu ghi nhận chậm trả lãi, bao gồm Công ty Xi măng Long Thành và Tập đoàn R&H, cả hai đều báo lỗ trong giai đoạn 2022–2023 do khó khăn trong ngành xi măng và bất động sản nghỉ dưỡng. Công ty Xây dựng Tracodi cũng có trái phiếu bị đình chỉ giao dịch liên quan đến hệ sinh thái BCG.
Tổng cộng trong quý, có 3 đợt chậm trả lãi mới với giá trị lên đến 4.854 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ chậm trả toàn thị trường vẫn duy trì ở mức 14,6% vào cuối tháng 3/2025 tương đương quý trước. Đáng lưu ý, trong số 22 trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2025, có đến 7 trái phiếu được đánh giá có hồ sơ tín dụng yếu và 3 trong số này đã rơi vào tình trạng chậm trả.
Tăng tốc xử lý nợ xấu, dự báo dư nợ tiếp tục mở rộng
Bên cạnh những tín hiệu tiêu cực, một điểm sáng trong quý 1/2025 là nỗ lực xử lý nợ chậm trả của các tổ chức phát hành. Có tới 17 doanh nghiệp đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc với tổng giá trị 8.081 tỷ đồng, tăng mạnh 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận hay Saigon Glory đã đóng góp đáng kể vào tỷ lệ thu hồi nợ, giúp chỉ số này tăng thêm 2,7 điểm phần trăm, đạt mức 28,2%.
Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Trong tuần cuối tháng 3, giá trị mua lại đạt 4.723 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần tuần trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 28/3, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn là 21.979 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ 2024 nhưng vẫn cho thấy nỗ lực cân đối tài chính của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nhóm ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 52,6% tổng lượng mua lại tương đương 11.563 tỷ đồng. Điều này phản ánh nhu cầu cao trong việc giảm áp lực đáo hạn giữa bối cảnh nguồn vốn tín dụng vẫn bị siết chặt và thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn.
Dự báo cho phần còn lại của năm 2025, FiinRatings nhận định tổng giá trị dư nợ trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng từ 15 – 20%, nhờ các chính sách hỗ trợ thanh khoản, sự trở lại của hoạt động phát hành công khai và kỳ vọng giảm lãi suất. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với áp lực đáo hạn lớn, với tổng giá trị trái phiếu đến hạn khoảng 179.207 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tới 96.008 tỷ đồng (53,6%) và ngân hàng đứng thứ hai với 41.166 tỷ đồng (23%).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2025 dự báo sẽ hồi phục nhưng vẫn thận trọng. Sự lệch pha giữa phát hành công khai và riêng lẻ, cùng tỷ lệ chậm trả cao, cho thấy nhà đầu tư vẫn dè dặt khi giải ngân. Để tăng cường tính bền vững, cần minh bạch thông tin, cải thiện xếp hạng tín nhiệm và thúc đẩy thị trường thứ cấp để tạo thanh khoản.
Nếu điều kiện vĩ mô ổn định và lãi suất hợp lý, TPDN có thể ghi nhận tích cực trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng tài chính và cam kết trả nợ của tổ chức phát hành vẫn là yếu tố quyết định cho sự phục hồi bền vững của thị trường.
Minh Thư