06/03/2025 lúc 18:12

Hàng loạt dự án bất động sản “chờ” gỡ vướng tiền sử dụng đất

Chỉ còn 1 tháng nữa, cơ chế tháo gỡ “nút thắt” tiền sử dụng đất cho các dự án bất động sản sẽ có hiệu lực, mở ra hy vọng mới.

du-an-nova-land
Dự án Lakeview City của Tập đoàn Novaland. Ảnh: Tin Nhanh Chứng Khoán

Hàng loạt dự án “chờ” cơ chế mới

Câu chuyện doanh nghiệp bất động sản tại nhiều địa phương “tha thiết” xin được nộp tiền sử dụng đất không còn là chuyện lạ. Và giờ đây, họ chỉ còn phải chờ đợi khoảng một tháng nữa, khi cơ chế tháo gỡ “nút thắt” này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.

Đó là Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Theo nghị quyết này, 64 dự án vi phạm trong kết luận thanh tra ở ba địa phương trên, cùng hơn 1.300 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Đà Nẵng sẽ có hướng xử lý vướng mắc.

Tại TP.HCM, trong số bốn dự án được tháo gỡ, có tới ba dự án của Tập đoàn Novaland, bao gồm: The Water Bay (quy mô 224 ha, phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức); Lakeview City (quy mô 106 ha, khu Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức); và The Tresor (số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4).

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, nhờ nghị quyết này, những vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland tại TP.HCM, đặc biệt là dự án Lakeview City, sẽ chính thức được giải quyết. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan thẩm quyền nhanh chóng thực hiện các công việc theo chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt, đồng thời giúp Novaland hoàn tất nghĩa vụ tài chính và thúc đẩy quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Một dự án khác cũng được “cởi trói” lần này là New City Thủ Thiêm, nằm trên khu đất rộng 38,4 ha tại phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức, do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt làm chủ đầu tư.

Dự án này có “lịch sử” khá phức tạp, bắt nguồn từ việc TP.HCM triển khai kế hoạch xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư phục vụ Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2007. Công ty Thuận Việt đã tham gia xây dựng 3.550 căn, nhưng sau đó, do không còn nhu cầu sử dụng để tái định cư, Thành phố đã quyết định thanh lý hợp đồng với Thuận Việt bằng cách giao đất, thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển đổi sang dự án thương mại.

du-an-new-city-thu-thiem
Dự án thương mại New City Thủ Thiêm. Ảnh: Huttons VN

Tuy nhiên, việc xác định giá đất kéo dài nhiều năm, khiến dự án dù đã hoàn thành, bàn giao cho cư dân nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng. Thêm vào đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thanh lý hợp đồng khi chưa có ý kiến của Thủ tướng là không đúng quy định.

Với Nghị quyết 170, Quốc hội đã thông qua phương án xử lý cụ thể: phần diện tích đất tương ứng với số tiền đã tạm nộp sẽ được tính giá tại thời điểm thanh lý hợp đồng (30/3/2018); phần còn lại sẽ tính theo thời điểm ban hành quyết định giao đất (11/12/2020).

Bước ngoặt cho thị trường, niềm tin cho doanh nghiệp

Trao đổi với báo giới, đại diện Novaland cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh, nhưng cũng mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án trọng điểm khác của Tập đoàn. Bởi lẽ, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh, mà còn ổn định tâm lý, đời sống cư dân, đồng thời khơi thông các nguồn vốn khác.

Ông Văn Dũng Chinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Vinareal, cũng chia sẻ, trong 5 năm qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Khánh Hòa gần như “án binh bất động” do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc pháp lý kéo dài.

Nhiều vụ án và đợt thanh tra liên quan đến sai phạm đất đai đã khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư e ngại, nguồn cung khan hiếm, hoạt động thị trường đình trệ. Hàng loạt dự án không thể triển khai, đẩy khách hàng vào thế khó, nhà đầu tư không thể thu hồi vốn, dự án thiếu thanh khoản, và niềm tin vào thị trường suy giảm.

Trong một thời gian dài, giới đầu tư luôn mong chờ cơ quan quản lý sớm tháo gỡ vướng mắc. Nghị quyết 170 là một bước tiến quan trọng, lần đầu tiên đưa ra cơ chế thí điểm khơi thông các dự án có sai phạm. Rất hy vọng, mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý không chỉ giúp các doanh nghiệp có lộ trình rõ ràng để tái khởi động dự án, bàn giao sản phẩm, mà còn giúp đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, từng bước khôi phục niềm tin và lấy lại động lực phát triển cho thị trường bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá đây là lần đầu tiên Quốc hội có một nghị quyết đặc thù dành cho lĩnh vực bất động sản, “chỉ mặt điểm tên” từng dự án, nêu rõ từng danh mục tháo gỡ, thay vì chỉ nêu chung chung. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của cơ quan lập pháp trong việc kiến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường.

Tuy nhiên, danh sách dự án chờ gỡ vướng còn rất dài. Ông Châu kiến nghị, trên cơ sở Nghị quyết 170, các cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tái khởi động hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đang bị dừng triển khai trên cả nước.

Đây là việc làm cấp bách để có thể tăng ngay nguồn cung nhà ở, cũng như khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai và nguồn lực xã hội. Việc khơi thông nguồn cung này không chỉ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, mà còn góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế.

Bảo Long

Nguồn tham khảo: Tin Nhanh Chứng Khoán