29/11/2024 lúc 17:14

Doanh nghiệp Việt trước thách thức từ quy chuẩn xanh trong xuất khẩu toàn cầu

Xu hướng quy chuẩn xanh đang định hình thị trường xuất khẩu toàn cầu, buộc doanh nghiệp Việt nhanh chóng thích nghi để duy trì năng lực cạnh tranh trước các quy định nghiêm ngặt.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một khối kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050, Liên minh Châu Âu (EU) đã và đang triển khai hàng loạt các quy định nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong đó, Chương trình hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP) là một trong những sáng kiến trọng điểm, đặt ra những yêu cầu khắt khe về thiết kế sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm thiểu chất thải và kéo dài tuổi thọ sản phẩm. 

quy chuẩn xanh đang được các doanh nghiệp áp dụng
Ảnh minh họa

Tác động của quy chuẩn xanh đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong việc chuyển đổi sang sản xuất theo quy chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như EU và Mỹ. Việc thay đổi quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ mới và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm và sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch, áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nguy cơ mất thị phần là điều không thể tránh khỏi nếu các doanh nghiệp không kịp thời thích ứng các quy chuẩn xanh, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị từ chối tại các thị trường lớn, dẫn đến giảm sút doanh thu và lợi nhuận. Hơn nữa, việc mất đi uy tín trên thị trường quốc tế cũng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai.

EU và quy chuẩn xanh: Rào cản hay Cơ hội?

Tại tọa đàm diễn ra vào ngày 27/11 vừa qua, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn. Ông cho biết, đây là một phần cốt lõi của Thỏa thuận xanh châu Âu, thể hiện quyết tâm của EU trong việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Một trong những sáng kiến nổi bật là Cơ Chế Điều Chỉnh Biên Giới Carbon (CBAM). Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu vào EU phải kê khai lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Các sản phẩm có mức phát thải cao sẽ chịu mức thuế carbon cao hơn, khiến giá thành đội lên và mất lợi thế cạnh tranh. Điển hình, ngành dệt may – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện đang gặp khó khăn lớn khi EU yêu cầu toàn bộ chuỗi cung ứng phải minh bạch và giảm thiểu tác động môi trường. 

toạ đàm về chủ đề liên quan tới quy chuẩn xanh
Buổi tọa đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Ảnh: VOV

Cơ hội và thách thức song hành

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), việc gặp khó khăn trong việc huy động vốn để đổi mới công nghệ là một trong những thách thức khiến doanh nghiệp chậm trong quá trình bước vào quy chuẩn xanh. Thêm nữa, nhân lực lao động trong các ngành sản xuất chưa được đào tạo về quy trình sản xuất xanh, cũng như sự canh tranh giữa các quốc gia đối thủ đang đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất bền vững, tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy thách thức là không nhỏ, các quy định xanh cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế. Việc áp dụng quy trình sản xuất sạch giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút đối tác quốc tế. Song song với đó, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn xanh, mở rộng thị phần sang các thị trường khó tính.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ xanh, giúp giảm phát thải và xây dựng thương hiệu bền vững.

Con đường đến sản xuất xanh: Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam

Để vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội từ xu hướng sản xuất theo quy chuẩn xanh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện một số giải pháp quan trọng. Thứ nhất, việc đầu tư vào đổi mới công nghệ là vô cùng cần thiết. Doanh nghiệp nên chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió để giảm thiểu lượng khí thải carbon, áp dụng các công nghệ lọc khí thải hiện đại sẽ giúp bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo
Doanh nghiệp nên chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: VnEconomy

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, hợp tác với các nhà cung cấp có cùng chí hướng, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào được sản xuất theo quy chuẩn xanh, từ đó tạo ra sản phẩm cuối cùng thân thiện với môi trường. Việc tổ chức các khóa đào tạo về sản xuất bền vững, quản lý môi trường cũng cần thiết, sẽ giúp người lao động nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các hoạt động sản xuất xanh hiệu quả. 

Ngoài ra, sự hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức quốc tế là vô cùng quan trọng. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới. Các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.

Việc áp dụng quy chuẩn xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Dù hành trình này không dễ dàng, nhưng với sự hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực từ doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu bền vững.

Phương Thảo

Xem thêm tin: Tại đây