Nhiều doanh nghiệp tạm hoãn phát hành cổ phiếu thêm vì thị trường khó khăn
Nhiều doanh nghiệp như An Gia, Chứng khoán Nhất Việt tạm hoãn phát hành thêm cổ phiếu do thị trường kém thuận lợi.

“Làn sóng” dừng phát hành cổ phiếu
Trước những biến động khó lường của thị trường chứng khoán, hàng loạt doanh nghiệp đã quyết định tạm hoãn kế hoạch phát hành hàng triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn, với lý do chung là điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) vừa thông báo ngừng việc chào bán cổ phiếu ra công chúng dành cho cổ đông hiện hữu. Theo kế hoạch ban đầu, công ty dự kiến phát hành hơn 40,6 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 25% lượng cổ phiếu đang lưu hành, với mức giá 10.000 đồng mỗi đơn vị.
Nguồn vốn huy động dự kiến sẽ được sử dụng để thanh toán nợ ngân hàng và bổ sung vào vốn điều lệ của công ty con. Tuy nhiên, An Gia cho biết điều kiện thị trường không đủ thuận lợi, làm giảm hiệu quả của đợt phát hành và ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (mã chứng khoán: VFS) cũng quyết định hủy kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu. Trước đó, VFS dự kiến thu về 1.200 tỷ đồng từ đợt chào bán này với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm mở rộng hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ và đầu tư tự doanh vào cổ phiếu cùng các loại giấy tờ có giá.
Đây không phải là những trường hợp đơn lẻ. Trong bối cảnh thị trường chưa thuận lợi, nhiều doanh nghiệp như DIC Group (DIG), Nam Hà Nội (NHA), và Hải Phát (HPX) cũng đồng loạt hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu trong nửa cuối năm 2024, với khối lượng phát hành ban đầu lên tới hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu cổ phiếu.
Các quyết định ngừng chào bán cổ phiếu này thể hiện sự thận trọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay đang tồn tại nhiều rủi ro, cho thấy rằng việc huy động vốn qua kênh chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn.
Những yếu tố khác khiến cổ phiếu khó phát hành.

Ngoài yếu tố thị trường, một điểm chung trong các kế hoạch phát hành gặp khó khăn là phản ứng trái chiều từ cổ đông và nhà đầu tư, thể hiện qua tình trạng giá cổ phiếu sụt giảm. Nhiều mã cổ phiếu đã chứng kiến sự lao dốc ngay khi công bố thông tin phát hành, với một số mã bị “bốc hơi” hai con số chỉ trong một tháng.
Tại diễn đàn M&A Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 11/2024, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, cho rằng một trong những rào cản lớn của thị trường vốn và M&A chính là lòng tin giữa người bán và người mua.
Ông cũng nhấn mạnh rằng niềm tin vào thị trường hiện đang ở mức thấp, được thể hiện rõ qua việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng với khối lượng lớn. Năm ngoái, khối ngoại bán ròng hơn 90.311 tỷ đồng trên sàn HoSE, tương đương hơn 3,55 tỷ USD, và tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường chứng khoán cũng vượt 93.000 tỷ đồng, lập kỷ lục mới trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục xả hàng với giá trị bán ròng trên sàn HoSE lên tới 13.360 tỷ đồng tính đến ngày 20/2. Áp lực bán ròng này, cùng với những tác động từ lãi suất, tỷ giá và xu hướng thị trường quốc tế, đã khiến chứng khoán gần như đứng yên suốt từ cuối năm 2024 đến nay. VN-Index chủ yếu dao động quanh mức 1.250-1.280 điểm với thanh khoản thấp.
Triển vọng lạc quan bất chấp khó khăn hiện tại
Theo thống kê từ SSI Research, tổng giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE chỉ còn 9.500 tỷ đồng mỗi phiên trong tháng 1, giảm 37% so với cùng kỳ và 42% so với mức bình quân cả năm 2024. Nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng, phần lớn lựa chọn đứng ngoài quan sát hoặc chuyển sang các kênh tài sản khác hấp dẫn hơn về hiệu suất và diễn biến.

Dù vậy, nhiều bên vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường, với khả năng VN-Index có thể thiết lập mốc 1.300 điểm. Những yếu tố hỗ trợ bao gồm kế hoạch tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%, lãi suất ổn định, xu hướng nâng hạng thị trường đang đến gần và mức định giá vẫn còn thấp so với lịch sử và các nước trong khu vực.
Nếu thị trường thành công nâng hạng trong năm nay, nhóm phân tích từ Chứng khoán ACB (ACBS) dự đoán có khoảng 222 mã chứng khoán đủ điều kiện vào danh mục của FTSE, kéo theo khả năng thu hút thêm 300-400 triệu USD từ quỹ chỉ số thụ động Vanguard FTSE Emerging Markets ETF.
Ngoài ra, FTSE Russell cũng ước tính rằng tổng vốn từ các quỹ chủ động và bị động có thể đạt khoảng 5-6 tỷ USD. Những yếu tố tích cực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu và cho giao dịch của nhà đầu tư trong thời gian tới.
Minh Thư