17/12/2024 lúc 17:36

Định giá mới cổ phiếu BMP: Cơ hội đầu tư tiềm năng

Công ty cổ phần nhựa Bình Minh tăng trưởng với 1,407 tỷ đồng doanh thu trong quý III, cổ phiếu BMP được định giá 109,000 đồng/cp.

Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP) đạt tăng trưởng doanh thu ấn tượng
Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP) đạt tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Ảnh:
Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập

Doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ

Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP) đã ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2024 đạt 1,407 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước và 22% so với quý 2/2024. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào các chương trình khuyến mãi mạnh mẽ và nhu cầu phục hồi trong ngành xây dựng.

Tổng doanh thu thuần của BMP trong 9 tháng đầu năm đạt 3,563 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ do sức mua giảm trên thị trường vật liệu xây dựng. Dự báo doanh thu cả năm 2024 vẫn giữ ở mức 4.899,1 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2023.

Biến động giá nguyên liệu nhựa, đặc biệt là hạt nhựa PVC, đã có tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp. Hạt nhựa PVC, chiếm 60-70% chi phí sản xuất của BMP, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm do nhu cầu yếu từ thị trường Trung Quốc và tình trạng dư cung. Tính riêng quý 3, biên lãi gộp tăng từ 42,9% lên 43,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt gần 290 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận. Lũy kế lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 760 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành 64% mục tiêu doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

Lợi nhuận quý III của Nhựa Bình Minh về sát đỉnh
Lợi nhuận quý III của Nhựa Bình Minh về sát đỉnh. Ảnh: Investing.com

Tại thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của BMP đạt hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tương đương tiền gần 2.300 tỷ đồng, cho thấy tình hình tài chính vững mạnh. BMP công bố tỷ lệ cổ tức tạm ứng năm 2024 là 57,4%, tương đương 5.740 đồng mỗi cổ phiếu; ngày chốt danh sách cổ đông là 14/11/2024 và thời gian thanh toán là vào 05/12/2024. Tổng số tiền chi trả cho đợt này khoảng 470 tỷ đồng dự kiến cho 81,86 triệu cổ phiếu BMP đang lưu hành.

Cơ hội và thách thức của BMP trong năm 2025

Triển vọng kinh doanh của Công ty cổ phần nhựa Bình Minh năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều yếu tố tích cực điều đó cũng hỗ trợ cho cổ phiếu BMP với dự báo doanh thu thuần năm 2025 sẽ đạt khoảng 5.340 tỷ đồng, tăng 9% so với 2024, nhờ vào sự phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ ống nhựa từ thị trường bất động sản và xây dựng.

Sự hỗ trợ từ các chính sách tài khóa và đầu tư công sẽ thúc đẩy nhu cầu này. Tuy nhiên, cổ phiếu BMP cũng đối mặt với rủi ro nếu sự hồi phục của khu vực bất động sản chậm hơn mong đợi.

Việt Nam hiện phụ thuộc 70-80% vào nhập khẩu nguyên liệu nhựa, vì vậy công ty BPM dễ bị tác động từ biến động giá toàn cầu và vấn đề chuỗi cung ứng. Mặc dù vậy, sự ổn định trong nguồn cung và giá cả từ công ty mẹ SCG giúp BMP giảm thiểu rủi ro này. C

ông ty cũng có kế hoạch tăng cường nội địa hóa nguồn cung và cải tiến quy trình sản xuất, góp phần ổn định hoạt động kinh doanh trong tương lai. Giá hạt nhựa PVC dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện cho BMP giảm chi phí đầu vào và duy trì biên lợi nhuận cao.

Tuy giá hạt nhựa PVC có thể ở mức thấp trong 2025 và 2026, nhưng tình hình này có thể không kéo dài. Các biện pháp kích thích kinh tế tại Trung Quốc gần đây, như gói hỗ trợ 10.000 tỷ nhân dân tệ, có thể giúp ngành xây dựng tại đây phục hồi từ 2025.

Ngoài ra, rủi ro về giá dầu cũng cần được theo dõi khi mức giá PVC thường chịu ảnh hưởng mạnh từ giá ethylene và chlorine vốn có liên quan đến giá dầu mỏ. Nếu giá dầu mỏ tăng trở lại, chi phí sản xuất PVC sẽ tăng theo, từ đó đẩy giá bán PVC lên, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của BMP.

Việc tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 10/2024 của tổ hợp hóa dầu Long Sơn, một nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho BMP để kiểm soát chi phí cũng tạo ra sự gián đoạn và có thể làm chậm tiến độ nội địa hóa nguồn cung của BMP.

Cuối cùng, áp lực cạnh tranh từ các công ty trong ngành nhựa như NTP đang gia tăng, với việc điều chỉnh giá bán để giữ thị phần trong bối cảnh giá nguyên liệu giảm. BMP cũng đã tăng cường chiết khấu cho đại lý, vì vậy, mặc dù giá hạt nhựa PVC ở mức thấp, giá bán sản phẩm và biên gộp của BMP sẽ còn gặp nhiều thách thức.

Định giá và khuyến nghị cho các nhà đầu tư

Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP) hiện đang có triển vọng tích cực, tuy nhiên, thị trường đã phản ứng lạc quan với kết quả kinh doanh của công ty, đặc biệt trong bối cảnh giá hạt nhựa PVC giảm mạnh vào tháng 9 và tháng 10 năm 2024. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu BMP đã tăng khoảng 32,7%, vượt xa mức tăng 11,7% của chỉ số VN-INDEX trong cùng giai đoạn.

Diễn biến của giá cổ phiếu BMP trên thị trường chứng khoán
Diễn biến của giá cổ phiếu BMP trên thị trường chứng khoán. Ảnh: VietstockFiance

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, cổ phiếu BMP vẫn phải đối mặt với một số thách thức và rủi ro trong tương lai, bao gồm sự phục hồi chậm của khu vực bất động sản và xây dựng trong nước, khả năng giá hạt nhựa PVC bước vào chu kỳ hồi phục trung và dài hạn, cũng như áp lực cạnh tranh trong ngành.

Ngày 16/12/2024, việc cập nhật định giá cổ phiếu BMP ở mức 109.000 đồng/cổ phiếu. Với dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cho 12 tháng tới là 13.100 đồng, định giá này tương ứng với hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) dự phóng là 8,32 lần và hệ số giá trên lợi nhuận quá khứ (P/E trailing) là 8,78x. Vì vậy, BMP khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu, với mức giá tham chiếu vào ngày 16/12/2024 là 125.600 đồng/cổ phiếu với mức giảm dự kiến là 13,2%.

Minh Thư

Xem thêm tin: Tại đây