Đa cấp biến tướng vẫn tràn lan
Đặt cọc, nộp tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào mạng lưới bán hàng được xem là hoạt động đa cấp biến tướng.
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao về một video với nội dụng “CEO dùng dây chun búng vào tay nhân viên” khi tham gia chương trình đào tạo vì thiếu nỗ lực, thiếu cố gắng nên không hoàn thành chỉ tiêu KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả công việc).
Vào hệ thống phải nộp tiền
Ngay sau đó, một tài khoản mạng xã hội tên Hoàng Phi Huyền, CEO của hãng mỹ phẩm Huyền Phi Cosmetics, lên tiếng xác nhận mình là người “sếp trong video” trên. Nữ nhân vật chính cho biết trò chơi bắn chun nhằm minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh.
Theo tìm hiểu, đứng sau thương hiệu Huyền Phi Cosmetics là Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi. Doanh nghiệp (DN) này được thành lập vào tháng 5-2017, có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội). Cổ đông sáng lập gồm ông Hoàng Văn Hưng và bà Hoàng Thị Thu Huyền, mỗi người góp 50% vốn. Ngành nghề chính là bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Công ty này hoạt động dưới hình thức hệ thống phân phối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để vào hệ thống phân phối của Huyền Phi Cosmetics, người tham gia phải bỏ số tiền ban đầu ít nhất là 5 triệu đồng (vị trí chi nhánh) và cao nhất lên tới 300 triệu đồng (nhà phân phối cấp 1). Huyền Phi Cosmetics có rất nhiều “chiêu thức” mời gọi người tham gia như rất hấp dẫn, như đào tạo online – offline liên tục, tổ chức hội nghị ở những nơi sang trọng, thưởng doanh số, đi du lịch…
Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội vài ngày qua cũng nằm trong các buổi đào tạo nhà phân phối của công ty này.
Dù vậy, Huyền Phi Cosmetics từng nhiều lần bị lực lượng chức năng xử phạt, đình chỉ thu hồi sản phẩm do chứa chất cấm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo hay phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Đan Mạch, Tổng Thư ký Hiệp hội Đa cấp Việt Nam, nói thẳng đây là hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, trá hình. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều hệ thống, hội nhóm hoạt động theo hình thức này. Những hệ thống này do một số cá nhân lập ra, thu hút người khác tham gia bằng cách thao túng cảm xúc, sử dụng mạng xã hội tạo ra đủ thứ chiêu trò nhằm quảng cáo, tạo sự lan tỏa.
Tổng Thư ký Hiệp hội Đa cấp Việt Nam cho biết kinh doanh đa cấp là niêm yết giá sản phẩm trên website và người tham gia không phải đóng tiền hay tham gia đầu tư làm giàu. “Còn hình thức biến tướng của đa cấp thì ngược lại, các cá nhân này lập công ty sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, nguồn gốc nhập nhèm nhưng quảng cáo thành “thần dược”.
Từ đó mọc ra các đại lý, tổng đại lý, nhà phân phối hay nói nôm na là những “tiểu đội, đại đội” để “lùa gà”, lôi kéo người khác tham gia, bỏ tiền mua sản phẩm rồi lại bán lại cho bạn bè, người thân với những lời hứa hẹn việc nhẹ lương cao, giàu có nhanh chóng” – ông Mạch giải thích.
Thực tế, nhiều người đã trở thành nạn nhân hình thức kinh doanh này. Chị T.H., ở tỉnh Vĩnh Phúc, kể đã mất số tiền hơn 20 triệu đồng vì tham gia làm đại lý bán thực phẩm chức năng. “Giá trị trung bình mỗi hộp thuốc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, tiền hoa hồng 30%-40%/hộp. Sau khi bán hết cho người nhà thì chẳng còn ai mua, lúc đó tôi nhận ra mình bị lừa, xin nghỉ làm đại lý và chấp nhận mất tiền” – chị chia sẻ.
Số doanh nghiệp giảm nhưng hoạt động vẫn tăng
Một chiêu thức lừa đảo khác là huy động tiền. Cuối năm 2023, Công an TP Hà Nội thông tin về chiêu trò huy động vốn của hàng ngàn nhà đầu tư thông qua dự án trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum và Quảng Nam với lãi suất 24%-48%, đối tượng Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Hạnh chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng.
Theo thống kê từ Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), số DN bán hàng đa cấp (có đăng ký) đã giảm rất mạnh từ 67 DN vào năm 2016, xuống còn 20 DN vào cuối năm 2023. Dù vậy, hình thức kinh doanh này không có xu hướng giảm mà ngược lại, ngày càng có nhiều đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp hoặc biến tướng để lừa đảo, trục lợi dẫn đến hoạt động này có diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), pháp luật Việt Nam không cấm kinh doanh đa cấp nhưng việc lợi dụng đa cấp để lừa đảo sẽ bị xử phạt. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, việc đặt cọc, nộp tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp bị cấm.
Ông Vinh nhắc tới hoạt động “lùa gà” mua sản phẩm, đóng tiền để được vào hệ thống. Theo đó, các đối tượng thường đánh vào lòng tham của nhiều người để chiếm đoạt tiền. Do vậy, luật sư Vinh cho rằng Nhà nước cần tuyên truyền để nhiều người hiểu rõ bản chất của đa cấp chân chính và biến tướng, từ đó không sa vào “bẫy”.
Tổng Thư ký Hiệp hội Đa cấp Việt Nam thông tin những hình thức kinh doanh đa cấp trá hình không có cơ quan nào quản lý. Muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra phải có nhân chứng, người bị hại tố cáo nhưng thực tế rất khó để những người tham gia vào hệ thống này đứng ra tố cáo, thậm chí đến khi trắng tay cũng không biết mình bị lừa.
Lãnh đạo Hiệp hội Đa cấp Việt Nam cho biết với những DN thành viên, hiệp hội sẽ có trách nhiệm xử lý khiếu nại, tránh thiệt hại cho người tham gia. Còn với những công ty không phải thành viên, hiệp hội sẽ chuyển đến công an hoặc các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia.
“Quan trọng hơn, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về những hình thức biến tướng đa cấp, trong đó tập trung vào đối tượng như sinh viên, bà nội trợ…” – ông Mạch nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng cho biết đối với những hình thức đa cấp biến tướng không thuộc phạm vi quản lý, bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của loại hình kinh doanh này; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.
Nguồn: Người lao động – Thùy Linh.