Loạt công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh trong quý đầu năm
Theo báo cáo từ công ty chứng khoán trong quý 1/2025 TCBS với mức lãi 1.310 tỷ đồng, trong khi đa số công ty ghi nhận suy giảm.

Bức tranh tài chính quý I/2025 của các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy sự phân hóa rõ nét khi một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ tối ưu chi phí và đẩy mạnh các mảng hoạt động cốt lõi, trong khi không ít công ty lại lao dốc hoặc báo lỗ do doanh thu suy giảm và chi phí neo cao.
MBS dẫn đầu về lợi nhuận nhờ tiết giảm chi phí mạnh mẽ
Chứng khoán MB (MBS) là cái tên nổi bật nhất trong quý đầu năm khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 269 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức cao nhất kể từ khi công ty đi vào hoạt động. Đây là kết quả đáng chú ý trong bối cảnh doanh thu hoạt động của MBS chỉ giảm nhẹ 1%, đạt 669 tỷ đồng.
Một số mảng doanh thu quan trọng như lãi FVTPL, môi giới và HTM suy giảm, nhưng cho vay và đầu tư AFS tăng trưởng, bù đắp phần nào sự sụt giảm. MBS nổi bật với việc giảm chi phí hoạt động đến 59% so với cùng kỳ, còn 108 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng tài chính và chi phí vay. Kết quả, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh đạt 339 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm chỉ sau một quý.
Dư nợ margin và ứng trước tiền bán cũng tăng kỷ lục lên 11.442 tỷ đồng, phản ánh nhu cầu giao dịch cao của khách hàng, củng cố vị thế của MBS trong ngành. Không chỉ MBS, một số công ty chứng khoán khác cũng có quý I khởi sắc, trong đó nổi bật là Techcom Securities (TCBS) và Chứng khoán Kafi. TCBS đạt lợi nhuận trước thuế 1.310 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và 40% so với quý trước.

Doanh thu môi giới tăng trưởng 33%, đạt 73 tỷ đồng, nhờ đẩy mạnh phân phối chứng chỉ quỹ với doanh số hơn 5.900 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động cho vay đạt gần 718 tỷ đồng, giúp TCBS duy trì vị thế dẫn đầu thị trường margin với dư nợ cho vay đạt hơn 30.472 tỷ đồng, tương đương 1,1 lần vốn chủ sở hữu.
Chứng khoán Kafi có doanh thu quý I đạt 380 tỷ đồng, tăng gần 170%, và lợi nhuận sau thuế 73 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ở các mảng FVTPL, môi giới và cho vay. Chứng khoán Thành Công (TCSC – TCI) ghi nhận doanh thu gần 65 tỷ đồng, tăng 55%, với lãi từ FVTPL và HTM tăng 228% và 384%. Lợi nhuận sau thuế tăng 59%, đạt 21,9 tỷ đồng.
Nhiều công ty chứng khoán sa sút lợi nhuận
Trái ngược với nhóm tăng trưởng, nhiều công ty chứng khoán khác lại đối mặt với áp lực suy giảm lợi nhuận trong quý đầu năm. Chứng khoán DSC báo lãi sau thuế 54 tỷ đồng, giảm 9%, dù hoạt động cho vay tăng trưởng 20%. Nguyên nhân đến từ mảng môi giới sụt giảm mạnh 41% và lãi FVTPL đi lùi 4%. Doanh mục FVTPL của DSC cũng giảm giá trị gần 17% do cắt giảm cổ phiếu niêm yết và chứng chỉ tiền gửi.
Tuy nhiên, dư nợ margin của công ty chứng khoán lại đạt kỷ lục 2.145 tỷ đồng, cho thấy công ty vẫn đẩy mạnh cho vay để duy trì dòng tiền. Chứng khoán HD (HDS) cũng có quý kinh doanh đi lùi với doanh thu giảm 65%, chỉ còn 244 tỷ đồng, do không còn ghi nhận khoản phí bảo lãnh phát hành đột biến như cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 43% xuống 79 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán khác như Guotai Juonan (IVS), Đông Á (DAS) hay GTJA Việt Nam cũng chung cảnh ngộ khi đều báo lãi quý I sụt giảm lần lượt 33%, 13% và 10% do doanh thu môi giới và đầu tư suy yếu. Đặc biệt, Chứng khoán CVS là đơn vị duy nhất báo lỗ trong quý I. Dù doanh thu có cải thiện nhẹ, đạt gần 5 tỷ đồng, nhưng chi phí môi giới và quản lý cao khiến công ty lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế lên gần 128 tỷ đồng.
Diễn biến lợi nhuận quý I giữa các công ty chứng khoán cho thấy sự khác biệt rõ rệt về chiến lược, khả năng kiểm soát chi phí và thích nghi thị trường. Các công ty có nền tảng tài chính vững mạnh và kiểm soát chi phí tốt như MBS, TCBS và Kafi, ghi nhận lợi nhuận tích cực nhờ tận dụng nhu cầu margin tăng cao. Ngược lại, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn thu không ổn định hoặc thiếu chiến lược phát triển rõ ràng gặp khó khăn và có nguy cơ thua lỗ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hồi phục nhờ dòng tiền nội và kỳ vọng chính sách tiền tệ, với dư địa tăng trưởng rộng mở cho ngành. Yếu tố then chốt để duy trì lợi nhuận bền vững là chiến lược vận hành linh hoạt, tối ưu chi phí và khai thác xu hướng đầu tư của cá nhân và tổ chức. Sự phân hóa có thể tiếp diễn, phản ánh năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của từng doanh nghiệp trong ngành tài chính.
Minh Thư