Cổ phiếu ngân hàng: Điểm đến hấp dẫn của dòng tiền thông minh
Cổ phiếu ngân hàng được sự yêu thích của các quỹ đầu tư, bên cạnh đó mã ACB được khuyến nghị mua với tiềm năng tăng 47,2%.
Xu hướng đầu tư cổ phiếu ngân hàng
Vừa qua trong một buổi thảo luận Data Talk được tổ chức vào tháng 12 với chủ đề: “Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025” có sự tham gia của các chuyên gia đã chỉ ra sự ưa chuộng cổ phiếu ngân hàng của các quỹ đầu tư.
Trong đó ông Nguyễn Quang Dũng hiện là Founder của công ty chứng khoán CKG, đã tổng hợp thông tin từ 35 quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam để xác định danh sách các cổ phiếu được nắm giữ nhiều nhất. Kết quả cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế vượt trội với 32 quỹ nắm giữ cổ phiếu ACB, 26 quỹ nắm MBB, và 20 quỹ nắm CTG.
Nói rõ hơn về triển vọng của cổ phiếu ngân hàng một chuyên gia khác là ông Lê Hoài Ân – Founder của IFSS nhận định rằng các quỹ đầu tư thường tập trung vào cổ phiếu ngân hàng lớn có chiến lược và tiềm năng tăng trưởng rõ ràng. Ông cũng phân loại ngân hàng thành ba nhóm chính gồm nhóm quốc doanh (VCB, CTG, BID), nhóm cho vay doanh nghiệp (TCB, MBB, HDB), và nhóm cho vay cá nhân (ACB, STB, VIB, TPB). Ông cũng cho biết, mặc dù thị trường năm 2024 có khả năng diễn biến đi ngang, việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể đem lại tỷ suất sinh lợi tốt.
Theo ý kiến của chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng cho vay doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trung bình 27%, trong đó LPB, TCB và MBB nổi bật. Nhóm quốc doanh cũng có sự tăng trưởng ổn định với mức trung bình 19%, trong đó CTG dẫn đầu với mức tăng 32%. Tuy nhiên, BID chỉ tăng 8% do bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) và nợ xấu gia tăng.
Ông Ân cũng chỉ ra rằng trong năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán, nhưng áp lực này với nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhỏ cho thấy việc duy trì tỷ trọng đáng kể của cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đầu tư. Ngược lại, nhóm cho vay cá nhân bị bán ra nhiều hơn.
Giải thích về trái ngược này, ông Ân cho biết hàng hóa tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh từ năm 2014, thúc đẩy tăng trưởng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng cho vay cá nhân. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ 2023 do tình trạng “kẹt” vốn trong bất động sản, khiến chi tiêu giảm và tăng trưởng tín dụng chững lại.
Trong chín tháng đầu năm 2023, tỷ lệ cho vay doanh nghiệp của hầu hết các ngân hàng tăng lên, cho thấy mối quan hệ tích cực giữa trạng thái kinh tế và hoạt động cho vay. Để thúc đẩy tín dụng tư nhân, ông cho biết hệ thống ngân hàng cần phải tăng cường cấp vốn cho doanh nghiệp, điều này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các ngân hàng tập trung vào cho vay doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời lý giải cho những diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Tín hiệu tích cực từ NHNN cho mã cổ phiếu ACB
Với mong muốn hỗ trợ sự tăng trưởng cho cổ phiếu ngân hàng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố đợt nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong tháng 11 đặc biệt là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) được cấp mới hạn mức tín dụng khoảng 20%. Bên cạnh đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/12, cổ phiếu ngân hàng ACB đã tăng nhẹ 0,2%, đạt 25.400 đồng/cp tương ứng với mức tăng gần 19% kể từ đầu năm.
Cũng trong báo cáo mới nhất, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tiếp tục giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ngân hàng ACB, với giá mục tiêu 37.400 đồng/cp, cao hơn 47,2% so với mức giá hiện tại. KBSV nhận định rằng ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng bền vững, với hoạt động giải ngân đều đặn trong suốt các tháng, thay vì tập trung vào cuối quý.
Dù tín dụng có phần chậm lại trong quý III/2024 do ngân hàng tập trung tái cơ cấu danh mục cho vay, KBSV tin rằng trong quý IV này, ACB sẽ phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ như trong hai quý đầu năm. Các yếu tố thúc đẩy bao gồm việc giải ngân cho vay kinh doanh và mua nhà của khách hàng cá nhân, cũng như việc ACB mở rộng cho vay cho các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có tiềm năng.
Mặc dù NHNN đã tăng hạn mức tín dụng cho ACB, KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 của ngân hàng này sẽ ở mức 18,5%. Đối với giai đoạn 2025-2027, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt khoảng 15-17%, cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) vẫn tồn tại. KBSV dự kiến NIM sẽ hồi phục dần trong nửa sau năm 2025, nhưng đã điều chỉnh dự phóng NIM năm 2024 về mức 3,9%, trước khi cải thiện lên 4% vào năm 2025.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu mới phát sinh đã tăng nhẹ trong quý III, nhưng có xu hướng giảm từ tháng 9. Tỷ lệ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đã giảm xuống còn 0,2% tổng dư nợ, cho thấy chiến lược kiểm soát rủi ro của ACB đang phát huy hiệu quả. KBSV kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của ACB sẽ được kiểm soát ở mức 1,4% trong năm 2024 và giảm về còn 1,25% trong năm sau. Nhờ những yếu tố đó, KBSV tin rằng cổ phiếu ngân hàng ACB là một mã cổ phiếu an toàn và đáng để đầu tư.
Minh Thư
Xem thêm tin: Tại đây