Cổ phiếu FPT bứt phá nhờ chuyển đổi số và mở rộng thị trường
Cổ phiếu FPT tiếp tục tăng trưởng nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2024, với doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch.

FPT tiếp tục khẳng định vị thế
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2024, CTCP FPT (mã cổ phiếu FPT) đã ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ vượt kế hoạch đề ra. Với doanh thu thuần đạt 17.608 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 19,9% so với cùng kỳ (svck) năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.087 tỷ đồng, tăng 21,1% (svck).
Khối Công nghệ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, chiếm tới 63% tổng doanh thu, đạt 11.146 tỷ đồng (+24,8% svck). Trong đó, mảng dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 8.285 tỷ đồng doanh thu, tăng 24,4% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn từ Nhật Bản và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Ngoài ra, việc hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ trong các mảng công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo và Điện toán đám mây. mở ra cơ hội kinh doanh và khẳng định vai trò trong chuyển đổi số quốc gia.
Lũy kế cả năm 2024, FPT đạt doanh thu thuần 62.849 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 11.071 tỷ đồng, tăng 20,3% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 7.849 tỷ đồng, tăng 21,4%. So với kế hoạch đề ra đầu năm, FPT đã vượt 1,6% mục tiêu doanh thu và 1,8% mục tiêu LNTT.
Khối CNTT (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và nước ngoài) đạt 39.110 tỷ đồng doanh thu, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ CNTT nước ngoài (chiếm 79% doanh thu CNTT) ghi nhận tăng trưởng 27,4%, đạt 30.953 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu theo thị trường
Về cơ cấu doanh thu theo thị trường, Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất (40%) trong doanh thu CNTT nước ngoài, đạt 12.325 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ theo đồng Yên Nhật (tuy nhiên, do sự suy thoái của tỷ giá, doanh thu chuyển đổi sang đồng VNĐ chỉ tăng 32,2%). Doanh thu ký mới đạt 33.592 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, với nhiều đơn hàng lớn và 48 dự án trên 5 triệu USD (tăng 50% so với cùng kỳ) đã được thắng thầu.
Đáng chú ý, năm 2024, cổ phiếu FPT cũng hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng về chuyển đổi số khi doanh thu từ lĩnh vực này đạt 14.263 tỷ đồng (+37% svck), tập trung vào các công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud) và phân tích dữ liệu (Data Analytics).
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ chính phủ với các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cũng tạo điều kiện để dịch vụ CNTT trong nước tăng trưởng 13,9% svck, đạt 8.157 tỷ đồng. Trong nhiều năm qua, khối Viễn thông và Giáo dục đã ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, với doanh thu đạt lần lượt là 17.610 tỷ đồng và 7.444 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là 11,4% và 13,3%.
Doanh thu từ Viễn thông chủ yếu đến từ dịch vụ internet, băng thông rộng và nội dung số như báo điện tử, trong khi ngành Giáo dục phát triển nhờ nhu cầu cao về Công nghệ thông tin, đặc biệt là đào tạo trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn, nhờ vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Cấu trúc tài chính và định giá cổ phiếu FPT
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của FPT đạt 72.013 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Khoản mục tiền và các khoản tiền gửi chiếm 43% tổng tài sản, đạt 31.100 tỷ đồng, phần lớn nhờ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 35,2%, lên mức 21.785 tỷ đồng. Điều này giúp FPT có nguồn lực tài chính mạnh mẽ để đầu tư vào các dự án mới, mở rộng thị trường và thực hiện các thương vụ M&A.

Tổng nợ vay của FPT là 14.947 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ và chiếm 20,7% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 14.446 tỷ đồng (tăng 4,4%) đến từ các ngân hàng và tổ chức kinh tế. FPT cũng có các khoản vay ngoại tệ, nhưng đã phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng các giao dịch hoán đổi và hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền bằng hai loại ngoại tệ này.
FPT đánh giá triển vọng kinh doanh năm 2025 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu chi tiêu cho CNTT ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số. Cơ hội này đến từ hai thị trường trọng điểm là Nhật Bản và APAC, khi đóng góp từ CNTT nước ngoài chiếm hơn 80% doanh thu của Khối Công nghệ. Theo Gartner, nhu cầu chi tiêu cho dịch vụ CNTT toàn cầu năm 2025 dự kiến tăng 9,4% so với năm trước, đạt 1,73 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, cuối năm 2024, với sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua việc ban hành các Nghị định thúc đẩy chuyển đổi số, mảng dịch vụ CNTT trong nước cũng ghi nhận tăng trưởng 13,9%. Cổ phiếu FPT được kỳ vọng nhờ các mảng viễn thông và giáo dục cũng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số nhờ đầu tư thêm vào Capex và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mới.
Cổ phiếu FPT đã giữ mức tăng trưởng ổn định ở mức 2x% trong thời gian qua. ABS Research dự báo lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ năm 2025 sẽ đạt 9.418 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu tài chính dự kiến cho năm 2025 bao gồm EPS ước tính đạt 6.403 đồng/cp và BVPS là 30.734 đồng/cp, trong khi ROE dự kiến sẽ đạt 20,8%.
Ở mức giá hiện tại 143.100 đồng/cp, cổ phiếu FPT đang giao dịch với hệ số P/E 2025F là 22,2 lần, thấp hơn mức trung bình của ngành, trong khi hệ số P/B 2025F là 4,6 lần, cao hơn mức trung bình ngành. Với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và lợi thế từ các chính sách hỗ trợ, cổ phiếu FPT tiếp tục là một trong những mã hứa hẹn nhiều tiềm năng trong năm 2025.
Minh Thư