09/11/2024 lúc 10:35

Chứng khoán tháng 11 ‘dè chừng’ trước áp lực tỷ giá

Tỷ giá USD/VND tăng cao gây áp lực lên thị trường chứng khoán, bất chấp lợi nhuận quý III khả quan của nhiều doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào tháng 11 với tâm lý dè dặt. Mặc dù nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực, nhưng áp lực từ tỷ giá USD/VND tăng cao, cùng với hoạt động bán ròng của khối ngoại, đang là những yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại.

Áp lực tỷ giá USD/VND đè nặng lên thị trường

Chỉ số Dollar Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng USD, đã tăng mạnh từ mức gần 100 điểm vào ngày 23/9 lên trên 104 điểm hiện tại. Sự tăng giá của USD trên thị trường quốc tế kéo theo tỷ giá USD/VND trong nước tăng mạnh. Tại Vietcombank, tỷ giá đã tăng 4,25% so với đầu năm, so với mức 1,3% vào cuối tháng 9. Sự leo thang này đang tạo ra áp lực đáng kể lên TTCK.

Sự tăng vọt của DXY, một phần do chính sách tiền tệ phân kỳ giữa các quốc gia và kỳ vọng về động thái của Fed. Tuy nhiên, theo SSI Research, áp lực lên tỷ giá USD/VND còn đến từ quy mô thị trường ngoại hối Việt Nam còn nhỏ, trong khi áp lực từ bên ngoài vẫn lớn. Giám đốc Phân tích VPBank thì cho rằng, yếu tố mùa vụ mới là yếu tố góp phần khiến tỷ giá tăng.

Sự tăng giá của USD trên thị tướng khiến tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh
Sự tăng giá của USD trên thị tướng khiến tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh. Ảnh minh họa

Tác động của tỷ giá lên chứng khoán thể hiện rõ nét ở tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá tăng đồng nghĩa lợi nhuận khi quy đổi về USD sẽ giảm, khiến thị trường Việt Nam kém hấp dẫn hơn. Điều này có thể dẫn đến việc khối ngoại tiếp tục bán ròng. Còn đối với nhà đầu tư trong nước, tỷ giá tăng cũng gây ra tâm lý bất an, khiến họ thận trọng hơn trong việc đầu tư.

Ngoài ra, tỷ giá tăng còn gây áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và gián tiếp tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Để ứng phó với biến động tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất liên ngân hàng, nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, nhằm hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng có thể làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp lên đáng kể.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số của Chứng khoán VPBank, tỷ giá là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần theo dõi sát, bởi nó phản ánh tình hình lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền. Mối tương quan giữa tỷ giá và biến động thị trường chứng khoán đã được ghi nhận rõ ràng khi DXY đã từng có thời điểm tăng vọt lên 106 điểm vào giữa năm nay, khiến thị trường điều chỉnh giảm mạnh.

Bán ròng của khối ngoại: Thêm một áp lực

Bên cạnh vấn đề tỷ giá, hoạt động bán ròng của khối ngoại cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Thương vụ CBA bán ra hơn 300 triệu cổ phiếu VIB, sau khi VIB quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài xuống 4,99% hồi tháng 6, là một ví dụ điển hình. Giao dịch này đã giúp CBA thu về gần 8.100 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Và đồng thời đẩy VIB lên vị trí thứ hai trong danh sách các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, chỉ sau VHM.

Tháng 10 có thể nói là tháng bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong 4 tháng gần đây. Kể cả khi không tính thương vụ VIB, khối ngoại vẫn thu về lượng tiền gấp 1,6 lần tháng trước, chủ yếu nhờ thoái các cổ phiếu tài chính. Dòng tiền giải ngân của khối ngoại lại rất hạn chế, tập trung vào một số mã như TCB, FPT và MWG. Xu hướng bán ròng này, dù đã giảm từ tháng 5, nhưng vẫn tiếp diễn và tạo tâm lý bất an cho thị trường.

Mặc dù thị trường chịu nhiều áp lực, nhưng kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp lại khá khả quan. Theo FiinTrade, 911 doanh nghiệp niêm yết, chiếm 84,6% vốn hóa thị trường, đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này giảm 3,1% so với quý trước, và chưa đủ mạnh để tạo động lực cho thị trường bứt phá.

911 doanh nghiệp công bố kết quả niêm yết quý III/2024.
911 doanh nghiệp công bố kết quả niêm yết quý III/2024. Ảnh: Thời báo tài chính

Triển vọng tỷ giá USD/VND cuối năm

Mặc dù tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực tăng, các chuyên gia từ Chứng khoán KIS Việt Nam lại đưa ra cái nhìn lạc quan hơn. Họ cho rằng, xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND hiện tại chỉ mang tính tạm thời và tỷ giá sẽ điều chỉnh giảm trở lại trong những tháng cuối năm.

Theo phân tích của họ, cuối năm thường là mùa lễ hội ở châu Âu và Mỹ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp xuất khẩu thường mua nguyên liệu sản xuất từ 3 – 6 tháng trước đó, tạo nên nhu cầu cao về USD trong quý III. Tuy nhiên, khi các đơn hàng được xuất đi, các doanh nghiệp sẽ nhận được các khoản thanh toán bằng USD, thường vào cuối năm, giúp nguồn cung USD dồi dào hơn và làm giảm áp lực tỷ giá.

Thêm vào đó, dòng tiền bằng USD vào Việt Nam có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm. Trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký cũng tăng 11,6%, tương đương 24,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán 2025 đến sớm, nên lượng kiều hối có thể gia tăng vào cuối năm 2024, góp phần hạ nhiệt tỷ giá. Các dòng vốn này tạo ra nguồn cung USD đáng kể, hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Kim Khanh