28/03/2025 lúc 11:49

Chứng khoán ảm đạm MSN và FPT gánh điểm, thanh khoản suy giảm

Thị trường chứng khoán diễn biến ảm đạm, điểm số nhạt nhòa khi dòng tiền suy yếu và tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Trong phiên giao dịch chứng khoán hôm qua, VN-Index mở cửa tích cực gần 1.340 điểm, nhưng áp lực chốt lời đã khiến chỉ số lùi xuống dưới tham chiếu. Sau giờ nghỉ trưa, nhóm cổ phiếu Vin giúp VN-Index hồi phục, song lực bán mạnh từ các cổ phiếu VN30, đặc biệt là FPT và một số ngân hàng lớn, đã đẩy chỉ số giảm trở lại.

Thị trường chứng khoán diễn biến ảm đạm - 60s hôm nay
Thị trường chứng khoán diễn biến ảm đạm. Ảnh minh họa

Diễn biến thận trọng trong phiên sáng

Sang phiên chứng khoán sáng 27/3, tâm lý thận trọng trở nên rõ nét, khi dòng tiền trên thị trường chứng khoán chậm lại đáng kể. Sự phân hóa cao đã được ghi nhận ngay từ đầu phiên khiến VN-Index chỉ biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Ngay cả những cổ phiếu vừa và nhỏ, thường tạo sức hút trong những phiên thị trường chứng khoán ảm đạm, cũng đã “mất hút”, phản ánh tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư. 

Kết thúc phiên chứng khoán, trên sàn HOSE, chỉ có 141 mã tăng và 250 mã giảm, VN-Index chỉ tăng 0,22 điểm (+0,02%), đạt 1.326,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch giảm xuống còn hơn 279,5 triệu đơn vị, trị giá 6.303,4 tỷ đồng, ghi nhận giảm 17% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận cũng góp phần vào tổng khối lượng, với hơn 29,8 triệu đơn vị và giá trị 564,8 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, tình hình cũng không mấy khả quan khi có 12 mã tăng và tương đương 12 mã giảm trong rổ VN30. Biên độ giá hầu như không có sự thay đổi đáng kể, ngoại trừ mã MSN, tăng 2,1% lên 69.700 đồng và BVH, tăng 1,9% lên 53.200 đồng. Cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng giao dịch với hơn 30,5 triệu đơn vị.

MSN, FPT, SHB đang dẫn đầu thị trường về thanh khoản - 60s hôm nay
MSN, FPT, SHB đang dẫn đầu thị trường về thanh khoản. Ảnh: VnEconomy

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index, sau khi gắng giữ sắc xanh, đã giảm mạnh do áp lực cung. Kết thúc phiên, chỉ số giảm 2,37 điểm (-0,98%), xuống 238,96 điểm, với 54 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,5 triệu đơn vị, trị giá 363,6 tỷ đồng. Cổ phiếu KSF giảm mạnh nhất, xuống 66.200 đồng (-9,9%).

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng không có nhiều biến chuyển, rung lắc trong biên độ hẹp và chốt phiên chỉ tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 98,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 11,6 triệu đơn vị, trị giá 169,8 tỷ đồng. Tình hình giao dịch có phần ảm đạm, chỉ duy nhất cổ phiếu BVB khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị và giảm 1,4% xuống 14.200 đồng. Khối lượng giao dịch của các cổ phiếu khác khá thấp, ngoại trừ cổ phiếu LAI với mức tăng 6,1% lên 36.300 đồng.

VN-Index mất điểm phiên thứ hai liên tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì trạng thái rung lắc mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 27/3, với áp lực bán chiếm ưu thế. VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp, lùi sát về ngưỡng 1.320 điểm trong bối cảnh thanh khoản suy giảm đáng kể.

Kết phiên, VN-Index giảm 2,28 điểm xuống còn 1.323,81 điểm, trong khi HNX-Index mất 1,79 điểm, lùi về mức 239,54 điểm. Ngược chiều với hai sàn chính, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,11 điểm lên 98,96 điểm. Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh, với tổng giá trị giao dịch trên ba sàn chỉ đạt hơn 17.500 tỷ đồng. 

Riêng sàn HoSE ghi nhận thanh khoản gần 16.000 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với phiên trước đó. Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán khi phần lớn nhóm ngành chìm trong xu hướng điều chỉnh, ngoại trừ nhóm công nghệ. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và logistics trở thành tâm điểm bán tháo khi nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời.

Thị trường đang sụt giảm thanh khoản rất nhanh - 60s hôm nay
Thị trường đang sụt giảm thanh khoản rất nhanh. Ảnh: VnEconomy

Nhiều mã bluechip ghi nhận mức giảm đáng kể, trong đó BID giảm 1,14%, LPB mất 1,35%, TCB giảm 0,89%, CTG lùi 0,36%, VCB giảm 0,46%, VRE giảm 1,5%, POW mất 1,15% và GEE giảm mạnh 3,47%. Cổ phiếu hàng không HVN cũng giảm 1,2%. Ngoài ra, các mã như NKG (-1,61%), PNJ (-1,96%), HCM (-1,92%), ORS (-1,48%), HSG (-1,39%) và PDR (-1,01%) cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh.

Cổ phiếu FPT ngược dòng thị trường, thu hút dòng tiền lớn

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu FPT bất ngờ trở thành điểm sáng khi được nhà đầu tư trong và ngoài nước đẩy mạnh mua vào. Kết phiên, FPT tăng 2,6% lên 126.200 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 6,5 triệu đơn vị. Đáng chú ý, sau nhiều phiên bị bán ròng, hôm nay khối ngoại quay trở lại gom mua cổ phiếu FPT với giá trị gần 30 tỷ đồng, nhiều cổ phiếu khác cũng giao dịch tích cực. MSN tăng 1,61%, SHB bật mạnh 3,67%, CTR tăng 1,97%, GVR tăng 1,3%, VND và BVH cùng tăng 1,92%, trong khi TCH ghi nhận mức tăng 3,3%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng trên thị trường tổng giá trị bán ròng trên sàn HoSE chỉ còn hơn 63 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các phiên trước đó. Trong danh mục bán ròng, cổ phiếu TPB dẫn đầu với giá trị bán gần 159 tỷ đồng. Các mã bị khối ngoại bán mạnh còn có DBC (65,51 tỷ đồng), PNJ (43,75 tỷ đồng) và SAB (38,56 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung mua ròng cổ phiếu SHB với giá trị gần 70 tỷ đồng, tiếp theo là VCI (56,9 tỷ đồng), MSN (43,26 tỷ đồng), GVR (42,01 tỷ đồng) và VND (37,18 tỷ đồng). Đáng chú ý, cổ phiếu FPT cũng lọt vào nhóm được mua ròng mạnh với giá trị 33,71 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của doanh nghiệp công nghệ này.

Minh Thư