04/12/2024 lúc 16:26

Hai hướng đi, một đích đến: Chiến lược tài trợ gameshow của VIB và Techcombank

VIB và Techcombank khẳng định vị thế dẫn đầu nhờ chiến lược tài trợ cho gameshow bài bản, thu hút lượng lớn khách hàng trẻ.

Gameshow truyền hình – với sức hút mạnh mẽ và lượng khán giả khổng lồ, đang trở thành “miếng bánh ngon” được các nhãn hàng săn đón. Và ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc tài trợ cho các chương trình giải trí đình đám không chỉ giúp ngân hàng quảng bá thương hiệu rộng rãi mà còn là cơ hội tiếp cận, thu hút nhóm khách hàng trẻ tiềm năng. Tuy nhiên, không phải chiến dịch tài trợ nào cũng mang lại thành công như mong đợi.

Các chương trình gameshow âm nhạc đang dần trở thành đối tượng trong chiến lược tiếp cận nguồn khách hàng trẻ tiềm năng của các ngân hàng. Ảnh: VietnamPlus
Các chương trình gameshow âm nhạc đang dần trở thành đối tượng trong chiến lược tiếp cận nguồn khách hàng trẻ tiềm năng của các ngân hàng. Ảnh: VietnamPlus

Cuộc đua tài trợ gameshow và chiến thắng của VIB, Techcombank

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành ngân hàng, việc tìm kiếm những phương thức tiếp cận khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi, đang trở thành bài toán quan trọng. Báo cáo ngành ngân hàng năm 2024 của Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã chỉ ra một xu hướng nổi bật: các ngân hàng đang tích cực đầu tư tài trợ cho các gameshow giải trí.

Giữa “cuộc đua” sôi động này, VIB và Techcombank nổi lên là hai cái tên tiêu biểu cho chiến lược tài trợ bài bản, nhắm đúng mục tiêu này và kết quả là đạt được thành công đáng kể. Cả hai ngân hàng không chỉ thu được lợi ích kinh doanh vượt trội mà còn nâng cao đáng kể giá trị thương hiệu của mình.

VIB tăng trưởng ấn tượng nhờ “Anh trai say hi”

VIB chính là ngân hàng đã tiên phong trong việc tài trợ cho các chương trình ca nhạc, đặc biệt là chương trình “The Masked Singer” (Ca sĩ giấu mặt) – một chương trình được giới trẻ cực kỳ yêu thích. Chiến lược này cho thấy tầm nhìn xa của VIB khi nhắm thẳng vào phân khúc khách hàng Millennials và Gen Z – những người am hiểu công nghệ và ưa chuộng hình thức giải trí hiện đại.

Theo VPBankS đánh giá, việc này không chỉ giúp VIB gia tăng độ nhận diện thương hiệu mà còn là đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh thẻ của ngân hàng. Minh chứng rõ ràng nhất là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) số lượng thẻ của VIB đạt mức ấn tượng 44%/năm trong suốt 6 năm liên tiếp, trong khi chi tiêu qua thẻ thậm chí còn tăng trưởng vượt bậc hơn với 56%/năm.

Số liệu cho thấy sự đầu tư cho các chương trình đã mang lại chi tiêu thẻ vượt trội cho VIB. Ảnh: CafeF
Số liệu cho thấy sự đầu tư cho các chương trình đã mang lại chi tiêu thẻ vượt trội cho VIB. Ảnh: CafeF

Đặc biệt, sự kiện VIB tài trợ cho hai đêm concert “Anh trai say hi” đã tạo nên một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khuếch đại thành công của ngân hàng. Với hơn 20.000 khán giả trực tiếp hòa mình vào không khí sôi động và hàng triệu lượt xem trực tuyến, concert này đã đưa hình ảnh VIB đến gần hơn với giới trẻ.

Không chỉ dừng lại ở hiệu ứng truyền thông, thành công của chiến lược tài trợ còn được phản ánh rõ nét thông qua kết quả kinh doanh của VIB. Tăng trưởng tín dụng của VIB tính đến ngày 30/9 đã đạt 11,6% so với đầu năm, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của ngành là 9%. Đáng chú ý, 7% room tín dụng của VIB cũng được giải ngân chỉ trong quý III, cho thấy sức hút khó cưỡng của các chương trình tài trợ đối khách hàng.

Techcombank tập trung tăng huy động vốn với “Anh trai vượt ngàn chông gai”

Khác với hướng đi của VIB, Techcombank lại chọn chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” để làm “bệ phóng” cho chiến lược tăng trưởng huy động vốn và thu hút khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Đây cũng là cơ hội vàng để Techcombank giới thiệu tính năng “Sinh lời tự động” – một sản phẩm mới giúp khách hàng tối ưu hóa lợi nhuận từ số dư tài khoản, đồng thời khuyến khích sử dụng ứng dụng thanh toán di động của ngân hàng.

Chiến lược này của Techcombank đã nhanh chóng mang lại “quả ngọt” cho ngân hàng. Tính đến cuối quý III/2024, tăng trưởng huy động của Techcombank đạt 15,1%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 17,4%. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thuần đạt 125% – một con số ấn tượng thuộc nhóm cao nhất ngành. VPBankS nhận định: “Đây là dấu hiệu cho thấy Techcombank cần bổ sung vốn huy động để duy trì hoạt động cho vay bền vững hơn”.

Chính vì vậy, việc đầu tư vào “Anh trai vượt ngàn chông gai” được xem là một bước đi chiến lược, giúp Techcombank gia tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) vốn đang ở mức 40,5% thuộc top đầu ngành. Không chỉ vậy, nhờ chương trình khuyến mãi vé concert hấp dẫn dành cho khách hàng duy trì số dư CASA từ 15 triệu đồng trở lên và kích hoạt tính năng sinh lời tự động đã giúp mảng sinh lời tự động ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 35% so với quý trước.

Báo cáo cho thấy đóng góp từ “Sinh lời tự động” vào CASA tăng trưởng mạnh của Techcombank. Ảnh: CafeF
Báo cáo cho thấy đóng góp từ “Sinh lời tự động” vào CASA tăng trưởng mạnh của Techcombank. Ảnh: CafeF

Bài học cho các ngân hàng

Thành công của VIB và Techcombank đã minh chứng cho tiềm năng to lớn của việc tài trợ gameshow trong việc tiếp cận khách hàng, quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kinh doanh. Tuy nhiên, đây không phải là “con đường trải đầy hoa hồng” cho hầu hết doanh nghiệp. MB và VPBank, dù đã thực hiện chiến lược tài trợ cho chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” và “Our Song”, nhưng lại chưa gặt hái được thành công tương tự.

Điều này cho thấy, việc lựa chọn chương trình phù hợp với mục tiêu kinh doanh và đối tượng khách hàng mục tiêu cũng là một yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chiến lược. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xây dựng chiến lược tổng thể, kết hợp tài trợ với các hoạt động marketing khác để tạo hiệu ứng lan tỏa và tối ưu hóa hiệu quả.

Kim Khanh

Xem thêm tin: Tại đây