01/11/2024 lúc 10:56

Thị trường TMĐT nóng lên khi Temu vừa xin cấp phép hoạt động ở Việt Nam

Sự xuất hiện của Temu, nền tảng thương mại điện tử từ Trung Quốc, thu hút sự chú ý nhưng cũng gây lo ngại về tính hợp pháp và tác động đến doanh nghiệp nội địa.

thuong-mai-dien-tu-Temu
Temu vừa có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xin cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Ảnh: Thạch Thảo

Cạnh tranh thương mại điện tử Việt Nam: Temu – Gã khổng lồ mới nổi

Ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9 năm 2022, Temu đã nhanh chóng mở rộng sang nhiều thị trường khác như Canada, Australia, New Zealand, và các nước Đông Nam Á. Với chiến lược giá rẻ cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, Temu đã nhanh chóng thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Temu đã có văn bản chính thức gửi đến Bộ Công Thương về việc tuân thủ các quy định pháp luật thương mại điện tử khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Trước khi Temu xuất hiện, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu do các “ông lớn” như Shopee và TikTok Shop dẫn dắt. Theo một báo cáo gần đây, TikTok Shop và Shopee nắm giữ hơn 90% thị phần tổng giá trị giao dịch hàng hóa. Trong quý III năm 2024, TikTok Shop và Shopee ghi nhận tăng trưởng lần lượt là 110,6% và 11,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi các nền tảng khác như Lazada, Tiki và Sendo đang dần hụt hơi với mức tăng trưởng âm.

thuong-mai-dien-tu-Viet-Nam-Temu
Thị phần các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Temu đã tạo ra áp lực lớn cho các sàn thương mại điện tử đang hoạt động trong nước, đặc biệt khi nền tảng này áp dụng các chiến lược khuyến mãi “khủng” với mức giảm giá lên đến 90% và trả hoa hồng cho người bán lên đến 30%.

Rủi ro bảo mật và cạnh tranh không công bằng khiến nhiều quốc gia dè chừng 

Một trong những lo ngại lớn nhất về Temu chính là vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Nhiều tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại về khả năng thu thập và bảo mật dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi tải ứng dụng Temu. Các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo rằng việc người dùng dễ dàng chấp nhận các điều khoản mà không hiểu rõ có thể dẫn đến việc bị theo dõi và quảng cáo không mong muốn.

Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm trên Temu cũng là một điểm đáng lưu ý. Nền tảng này cung cấp nhiều sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau với giá cực kỳ cạnh tranh, nhưng chất lượng sản phẩm không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Người tiêu dùng đã phản ánh rằng nhiều sản phẩm trên Temu không đúng như mô tả, gây ra sự thất vọng và lo lắng.

Không những thế, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Indonesia cũng đã “mạnh tay” hơn trong việc quản lý, siết chặt những quy định về thuế quan, chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp địa phương. 

Cơ quan, ban ngành tại Việt Nam đã nhận định rằng sự xuất hiện của Temu mà không có sự quản lý chặt chẽ sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Temu không chỉ thu hút người tiêu dùng bằng giá rẻ mà còn có thể tạo ra những bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Việc không đóng thuế sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, có thể dẫn đến tình trạng đóng cửa hoặc ngừng hoạt động.

thuong-mai-dien-tu-Viet-Nam-Temu
Temu đang bị cảnh báo về các nguy cơ bảo mật dữ liệu người dùng.

Ảnh: Shutterstock

Cần có sự quản lý chặt chẽ

Để đối phó với những lo ngại hiện tại, cơ quan chức năng cần nâng cao công tác quản lý các hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Temu. Việc thiết lập các quy định rõ ràng nhằm kiểm soát hoạt động và bảo đảm sự công bằng trong kinh doanh là rất cần thiết. Một bộ luật chuyên ngành về thương mại điện tử sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong nước.

Sự gia nhập của Temu đã tạo nên những thách thức lớn cho bức tranh cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Do đó, việc hành động kịp thời để điều chỉnh các vấn đề bất cập, bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch là rất cần thiết. Chỉ khi thực hiện quản lý chặt chẽ, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vững bước phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Minh Duy