Áp lực CBAM: Doanh nghiệp lúng túng trước rào cản thuế carbon
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trước mắt áp dụng cho 6 mặt hàng là xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen (từ tháng 10/2023) và sẽ chính thức áp dụng tất cả các mặt hàng xuất khẩu vào EU từ năm 2026.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hồng Loan – Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, đại bộ phận các doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, có thể chưa chính xác, dẫn đến những lúng túng khi ứng phó với cơ chế này.
– Là đơn vị tư vấn đồng thời cũng là người tiếp xúc với rất nhiều các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu, thích ứng với CBAM, xin bà cho biết, nhận thức của các doanh nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam hiện nay về CBAM như thế nào?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Khi chúng tôi thực hiện khảo sát, đánh giá nhận thức của doanh nghiệp vào tháng 1/2023 nghĩa là trước khi CBAM chính thức bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp thì nhận thức của doanh nghiệp tại thời điểm đó tương đối thấp và bây giờ sau một năm, khi mà CBAM chính thức được triển khai thì tôi thấy rằng tiến bộ liên quan đến nhận thức của doanh nghiệp cũng chưa cao.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp, họ có những nghiên cứu và sự chuẩn bị một cách nghiêm túc thì đại bộ phận các doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, có thể chưa chính xác và từ đó những phản ứng, những chuẩn bị có thể không có hiệu quả.
Ví dụ như rất nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng khi xuất khẩu hàng hóa theo CBAM mà phát thải phải vượt trên ngưỡng do châu Âu quy định thì mới phải chịu tác động của CBAM, nhưng thực tế CBAM bao trùm về phát thải toàn bộ của sản phẩm.
Thứ hai, có những doanh nghiệp, ví dụ như hoạt động trong lĩnh vực gạo hoặc lĩnh vực nhựa cũng liên hệ với chúng tôi hỏi về tư vấn việc chuẩn bị cho CBAM thì tôi cũng chia sẻ rằng thiết kế và phạm vi hiện nay của CBAM thì họ chưa phải là đối tượng sẽ chịu tác động trong thời gian ngắn hạn.
Liên quan đến lộ trình, cũng có nhiều doanh nghiệp lại phản ứng thái quá, nghĩa là rất lo lắng về việc khi CBAM được áp dụng thì họ sẽ phải chịu giá carbon bằng với giá carbon của châu Âu. Tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc là giá carbon áp dụng theo chứng chỉ CBAM sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phân bổ hạn ngạch miễn phí trên thị trường carbon của châu Âu và nó sẽ điều chỉnh theo lộ trình tăng dần từ năm 2026 đến năm 2034.
Ngoài ra, nếu mà các nước xuất khẩu có áp dụng định giá carbon trong nước thì giá phải chi trả cho chứng chứng chỉ CBAM sẽ có sự bù trừ và điều chỉnh về giá của carbon trong nước nữa.
Nghĩa là với những quy định về những yêu cầu chi tiết của CBAM thì các doanh nghiệp cần phải có những nhận thức đầy đủ và đúng đắn.
Trong thời gian tới tôi hi vọng sẽ có những kênh truyền thông chính thức để có thể thúc đẩy những hướng dẫn một cách chính thống về các quy định cụ thể của CBAM để giúp nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.
Đối với những cơ chế mới như CBAM thì doanh nghiệp sẽ rất lúng túng để mà tìm hiểu các thông tin và chuẩn bị phản ứng của mình.
– Hiện Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối về CBAM, việc có một kênh nguồn thông tin chính thống, một đầu mối chịu trách nhiệm điều phối và có các biện pháp ứng phó với CBAM một cách bài bản sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả thích ứng với cơ chế mới nói chung và CBAM nói riêng, thưa bà?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Với cơ chế CBAM, nếu doanh nghiệp không thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính cho sản phẩm thì họ sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu.
Việc thực hiện cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn. Ví dụ, tiêu chuẩn ISO 14064, ISO 14067, các hướng dẫn của Thông tư về kiểm kê khí nhà kính của Bộ Công Thương cho thị trường carbon trong nước…
Những tiêu chuẩn đó nếu doanh nghiệp không có một cơ quan đầu mối hướng dẫn có thể doanh nghiệp mất rất nhiều công sức để chuẩn bị, nhưng mà có thể sẽ lãng phí, không hiệu quả và không đáp ứng yêu cầu của CBAM.
Hoặc có những doanh nghiệp vội vã mua tín chỉ carbon để chuẩn bị việc phản ứng với CBAM. Trong khi đó, các yêu cầu, hướng dẫn của châu Âu vẫn chưa rõ ràng và chưa có sự công nhận liên quan đến các cơ chế giá carbon và bù trừ tín chỉ thì việc chuẩn bị của doanh nghiệp mang tính chất không có định hướng và không thông qua những kênh chính thống như vậy thì có thể sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực và thậm chí gây thiệt hại về mặt tài chính.
– Các tiêu chuẩn và chính sách Xanh của EU nói chung và CBAM nói riêng được cập nhật liên tục và lộ trình áp dụng ngắn. Trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa thực sự mạnh để có thể đầu tư chuyển đổi xanh hoàn toàn và có hiệu quả ngay. Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên xác định lộ trình và cách thức thích ứng như thế nào? Doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên vào các yếu tố nào để có những bước chuyển đổi phù hợp và hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Các chính sách mới như CBAM được phê duyệt và đưa vào thực hiện rất nhanh nhưng mà không phải ngay lập tức mà theo một lộ trình.
Đối với CBAM chúng ta có thời điểm từ ngày 1/10/2023 đến cuối năm 2025 là thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến báo cáo phát thải và từ năm 2026 trở đi sẽ chính thức áp dụng các nghĩa vụ liên quan đến chi trả, nhưng nghĩa vụ đó cũng sẽ tăng dần từ 2026 – 2034.
Như vậy, theo tôi, doanh nghiệp sẽ cần phải bám sát lộ trình này.
Bởi lẽ, thứ nhất, các quy định của Châu Âu cũng sẽ bám theo lộ trình này. Hiện nay Châu Âu mới đưa ra những quy định cho giai đoạn chuyển tiếp và hi vọng cuối năm nay hoặc là muộn nhất trong năm 2025 họ sẽ có những hướng dẫn cho giai đoạn chính thức từ năm 2026 trở đi.
Vì vậy, việc của các doanh nghiệp hiện nay chắc chắn sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tính toán suất phát thải của sản phẩm xuất khẩu của mình.
Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có thời gian từ nay đến cuối năm 2025 để xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho các sản phẩm của mình và tùy thuộc vào hiện trạng công nghệ, đánh giá hiện trạng phát thải mà doanh nghiệp sẽ đưa ra các ưu tiên cho các hành hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về mặt nguyên tắc, có thể doanh nghiệp khi mới bắt đầu sẽ nghĩ rằng, nói đến CBAM là nói đến việc chúng ta sẽ phải chịu những gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, áp dụng CBAM sẽ giúp chúng ta thúc đẩy giảm tiêu thụ nguyên nhiên, vật liệu và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng…
Những điều trên có thể mang lại những lợi ích kép, vừa tiết kiệm được nguồn lực, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ và thậm chí có những biện pháp đưa đến chi phí âm.
Tức là, có thể những công nghệ đó trong giai đoạn đầu ngắn hạn sẽ yêu cầu chi phí đầu tư nhất định, nhưng doanh nghiệp cũng cần nhìn đến các lợi ích dài hạn như giảm phát thải khí kính để ứng phó với CBAM, việc tăng cường năng lực cạnh tranh của mình ở trong thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Vì vậy, không có một lộ trình duy nhất cho tất cả các doanh nghiệp mà tùy theo hiện trạng của doanh nghiệp về mặt công nghệ, về mặt phát thải, tùy theo chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tùy theo điều kiện về tài chính, về nguồn lực để mà doanh nghiệp xác định lộ trình phù hợp nhất và hiệu quả nhất để ứng phó với CBAM…
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế CBAM khi được áp dụng chính sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quyết tâm và nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển xanh. CBAM khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy trong các lĩnh vực có nhiều phát thải carbon đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa hướng đến tiêu chuẩn xanh, bền vững.
Về lâu dài, CBAM sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho chính các mặt hàng này khi xu hướng áp dụng CBAM nói riêng và phát triển bền vững nói chung càng trở nên phổ biến và đẩy mạnh. CBAM cũng giúp mở ra cơ hội xây dựng và thị trường mua, bán tín chỉ carbon và các dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon tại Việt Nam.
Nguồn: vietnamfinance.vn – Hồng Hạnh