Xuất, nhập khẩu Việt Nam năm 2024: Hướng tới kỷ lục mới
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 đã đạt 578,47 tỷ USD, mở ra khả năng lớn xác lập kỷ lục mới trong năm nay. Tuy nhiên, giữa lúc xuất, nhập khẩu đang “thăng hoa” xác lập kỷ lục mới thì những bất định mới cũng phát sinh hoặc có tín hiệu phát sinh theo chiều hướng khó khăn hơn.
Chắc chắn vượt mốc 732 tỷ USD của năm 2022
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 15,4% và nhập khẩu tăng 17,3%. Như vậy, để vượt qua mức kỷ lục 732 tỷ USD đã đạt được trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 3 tháng còn lại của năm 2024 cần đạt khoảng 153,53 tỷ USD (tương đương khoảng 51,17 tỷ USD mỗi tháng).
Con số này đạt được hoàn toàn không khó, bởi 9 tháng qua, bình quân mỗi tháng đạt khoảng 64,27 tỷ USD và ngay cả khi có những diễn biến theo hướng tiêu cực thì xuất, nhập khẩu cũng khó xuống dưới mức 51 tỷ USD/tháng trong 3 tháng tới đây.
Xem xét ở một mức nào đó cao hơn tương đối, ví dụ cột mốc 800 tỷ USD, thì khả năng này vẫn khả thi. Bởi, kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV thường cao hơn hẳn các quý khác.
Đơn cử năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV chiếm 28,5% tổng kim ngạch cả năm (tăng 26,2% so với quý I, tăng 32,9% so với quý II và tăng 4,3% so với quý III). Tương tự năm 2021, quý IV chiếm 27,6% tổng kim ngạch (tăng lần lượt 19,8%, 12,9% và 11,3% so với quý I, quý II, quý III).
Riêng năm 2022 do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, các tháng cuối năm hoạt động xuất, nhập khẩu bắt đầu bị ảnh hưởng, suy giảm so với cùng kỳ các năm trước nên kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV chỉ chiếm tỷ trọng 23,8%. Đến cuối năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu đã có dấu hiệu hồi phục, với tỷ trọng kim ngạch quý IV chiếm 27,3% tổng kim ngạch cả năm (tăng lần lượt 21,1%, 14%, 4,7% so với quý I, quý II, quý III trong năm).
Vấn đề quan tâm lúc này là liệu quy luật ấy có lặp lại năm nay? Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định hiện nay, luôn tồn tại 2 khả năng: Có thể và khó có thể. Về mặt tích cực và lạc quan, xu hướng lạm phát hạ nhiệt, lãi suất giảm ở các nền kinh tế đối tác thương mại lớn của Việt Nam báo hiệu sức cầu sẽ cải thiện nên có thể tác động tích cực hơn nữa đến xuất, nhập khẩu (đặc biệt là xuất khẩu).
Song ở chiều ngược lại, những bất định mới cũng phát sinh hoặc có tín hiệu phát sinh theo chiều hướng khó khăn hơn, nhất là nguy cơ bùng phát chiến tranh ở khu vực Trung Đông và giá năng lượng trở lại xu hướng tăng mạnh hiện nay… Điều này cho thấy xuất, nhập khẩu năm 2024 dù chỉ còn chặng đường rất ngắn nhưng lại nhiều gập ghềnh hơn.
Nỗ lực khẳng định chất lượng hàng hóa
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ giữ được mức tăng trưởng hai con số (khoảng hơn 10%) trong năm 2024.
Báo cáo đợt Tham vấn Điều IV 2024 với Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng cảnh báo những rủi ro theo hướng tiêu cực vẫn còn cao. Trong đó, xuất khẩu – một động lực tăng trưởng quan trọng, có thể sẽ yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Trong khi đó, các chuyên gia Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn trong thời gian qua có phần đóng góp quan trọng của xuất khẩu tăng trưởng rất tích cực.
Tuy nhiên, các thị trường phương Tây chiếm tới gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam và liệu nhu cầu từ các thị trường này đối với hàng hóa có tiếp tục cải thiện tới đây hay cần được theo dõi sát sao.
Quả thực về mặt xu hướng, cũng đã bắt đầu xuất hiện những lo ngại khi kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đã giảm 8% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu chỉ đạt 34,05 tỷ USD, dù vẫn tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước song đã giảm 9,9% so với tháng trước.
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9/2024 (đạt 31,76 tỷ USD) cũng giảm 5,9% so với tháng trước, dù vẫn tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 9 chỉ đạt 65,81 tỷ USD cũng cho thấy cột mốc 800 tỷ USD xuất, nhập khẩu năm nay khó đạt được hơn, song cũng chưa hoàn toàn hết cơ hội.
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê, kết quả xuất, nhập khẩu 9 tháng năm 2024 là rất tích cực, phản ánh xu hướng cầu thế giới tăng và cho thấy nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương cùng sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội thị trường, các hiệp định thương mại tự do, hay việc tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế; đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa từ Việt Nam được thế giới tin dùng.
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thời gian tới, đại diện Tổng cục Thống kê đề xuất cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp. Trong đó, cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cùng với đó, cần tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Nguồn: Thời báo ngân hàng – Đỗ Phạm