Người dân mua vàng khó như thời bao cấp, BIDV mở thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC
Ngân hàng BIDV sẽ triển khai thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC tại thành phố Hà Nội và TP.HCM. Các điểm bán vàng này sẽ hoạt động từ ngày 14/10/2024…
Ngân hàng BIDV vừa công bố thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, ngân hàng này sẽ triển khai thêm các điểm bán vàng miếng SJC tại thành phố Hà Nội và TP.HCM. Các điểm bán vàng này sẽ hoạt động từ ngày 14/10/2024.
Theo đó, tại thành phố Hà Nội, BIDV mở thêm 4 điểm bán vàng bao gồm: Chi nhánh Sở Giao dịch 1, địa chỉ Tháp A Vincom, 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; Chi nhánh Hà Thành, địa chỉ 74 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; Chi nhánh Ngọc Khánh Hà Nội, địa chỉ Tòa nhà Thái Nam Building, lô E2 đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy; Chi nhánh Quang Trung, địa chỉ Toà nhà Prime Center, Số 53, Phố Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng;
Các điểm bán vàng tại TP.HCM bao gồm: chi nhánh TP. HCM, địa chỉ 134 Nguyễn Công Trứ, quận 1; Chi nhánh Phú Nhuận, địa chỉ Tòa nhà SkyGate, 36-38 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận.
Hiện nay, đối với hình thức đăng ký mua vàng miếng online, khách hàng cần đăng ký qua website hoặc ứng dụng (app) của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.
Điều kiện để mua vàng miếng online tại các ngân hàng thương mại là khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng đó và số tiền tối thiểu trong tài khoản tại thời điểm đăng ký phải đủ mua 1 lượng vàng miếng SJC. Đặc biệt, mỗi người chỉ được đăng ký mua 1 lượng vàng miếng SJC. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện và đăng ký thành công, khách hàng sẽ nhận được một mã xác nhận, thời gian và địa điểm giao dịch.
Trước đó, không ít người dân phản ánh về tình trạng khó mua vàng tại các ngân hàng cũng như tại một số cửa hàng. Ngoài ra, số lượng điểm bán vàng miếng của Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh trên toàn quốc không nhiều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Điều này đã khiến việc tiếp cận mua bán vàng miếng SJC của người dân, đặc biệt là khách hàng ở các tỉnh thành khác, trở nên khó khăn.
Trong khi đó, những người mua vàng nhẫn lại phải đối mặt với cảnh xếp hàng dài tại nhiều cửa hàng. Các cửa hàng thường chỉ cung cấp một lượng rất hạn chế vào những khung giờ không cố định. Nhiều người phải “săn” vàng trong 2-3 ngày mới có thể mua được một chỉ vàng.
Khi bàn về nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng này xuất phát từ hai yếu tố chủ yếu: nguồn cung hạn chế và hiện tượng “găm vàng.”
“Hiện tại, nguồn cung đang trở nên khan hiếm do nhu cầu mua vàng tăng vọt, trong khi nguồn cung lại tương đối hạn chế. Vàng nhẫn chỉ có thể được sản xuất nếu có vàng nguyên liệu, và quy trình cung cấp vàng nguyên liệu đang được kiểm soát một cách chặt chẽ. Trong nhiều năm qua, chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có quyền nhập khẩu vàng, không có tổ chức nào khác được phép”, ông Hiếu cho biết.
Ngoài ra, một khả năng khác là các đơn vị kinh doanh vàng đang găm hàng, chờ đợi giá vàng tăng trở lại để thu lợi nhuận.
Hiện tại, thị trường vàng trong nước được chia thành hai phân khúc lớn: vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn 9999. Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ, nên giá cả không có nhiều biến động. Ngược lại, giá vàng nhẫn vẫn có xu hướng tăng, mặc dù không phải lúc nào cũng đi theo đà tăng của thị trường quốc tế, ông Hiếu chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư vào vàng không phải là lựa chọn tốt cho nền kinh tế: “Thay vì sử dụng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân lại lựa chọn mua vàng và cất giữ trong nhà, dẫn đến tình trạng không lưu thông, trở thành một sự lãng phí.”
Ông khẳng định rằng việc giải quyết xu hướng tích trữ vàng của người dân là một thách thức lớn. Tuy nhiên, không thể đơn giản siết chặt thị trường vàng. Cách làm này chỉ gia tăng áp lực tâm lý, khiến người dân cảm thấy cần thiết phải sở hữu vàng hơn, đồng thời tạo ra sự hoang mang và chờ đợi để mua.
Vì vậy, ông nhấn mạnh rằng “cơn sốt” vàng chỉ có thể được giải quyết nếu thị trường trở nên thông thoáng hơn. Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần được điều chỉnh, và thương hiệu quốc gia của SJC cần được loại bỏ để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các thương hiệu vàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc rút lại vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất. Các biện pháp như phát hành chứng chỉ vàng, chứng khoán hóa vàng, và tạo ra những kênh đầu tư hấp dẫn hơn cũng cần được thực hiện. Đồng thời, vẫn phải tôn trọng quyền sở hữu vàng nhưng cần giúp người dân hiểu rằng việc tích trữ vàng không phải là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế.
Khảo sát giá vàng trên thị trường trong nước sáng ngày 11/10, giá vàng miếng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang niêm yết ở mức 82,5 triệu đồng/lượng mua vào và 84,5 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi ở cả hai chiều so với phiên trước.
DOJI tại Hà Nội đang niêm yết giá vàng miếng ở mức 82,5 triệu đồng/lượng mua vào và 84,5 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng thương hiệu này tại TP.HCM đang mua vào và bán ra ở mức tương tự như Hà Nội.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 82,15 – 83,05 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với sáng 10/10.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 82,12 – 83,02 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Giá vàng nhẫn tròn Phú Quý 999 của Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý được niêm yết ở mức 82,15 triệu đồng/lượng mua vào và 83,10 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, giá vàng nhẫn Phú Quý bán ra đang cao hơn 600.000 đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC mua vào.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện đứng ở mức 2.640 USD/ounce, cao hơn 33 USD so với giá chốt phiên 9/10. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 79,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Giá vàng đã tăng mạnh trong phiên giao dịch quốc tế sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ được đánh giá là không gây lo ngại, mặc dù có cao hơn một chút so với dự kiến. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 8,20 USD lên 2.644,10 USD/ounce.
Nguồn: Tạp chí Thương gia – Ngân Hà