Hàng Việt tạo dấu ấn chiếm lĩnh niềm tin người tiêu dùng
Hàng Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, đặc biệt là nhóm thiết yếu và tiêu dùng, nhờ mẫu mã đẹp, giá hợp lý và chất lượng tốt.
Hàng Việt tiến tới đổi mới nâng cao sức cạnh tranh
Trong những năm gần đây, các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam không ngừng gia tăng tỉ trọng hàng Việt trên kệ hàng, với mức cơ cấu lên đến 80% – 90%. Các sản phẩm không chỉ đảm bảo xuất xứ rõ ràng mà còn đạt nhiều tiêu chuẩn uy tín như chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” hay sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Hà Đông, cho biết các nhà cung cấp hàng Việt ngày càng chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm, đồng thời thực hiện đều đặn các chương trình khuyến mãi hằng tuần, hằng tháng. Những sản phẩm này được thiết kế bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp, giúp tăng sức hút với người tiêu dùng. “Một số sản phẩm nội địa hiện nay hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu,” bà Thanh nhận định.
Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng Việt cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Tâm lý “sính hàng ngoại” dần được thay thế bởi niềm tin vào chất lượng hàng nội địa. Hàng Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế nhờ sự cải tiến không ngừng về chất lượng, giá cả ổn định và mẫu mã phong phú.
“Chúng tôi luôn ưu tiên cố gắng để mang sản phẩm hàng nội vào trong siêu thị nhiều nhất. Hiện nay, chúng tôi có khoảng 85% mặt hàng đang trưng bày tại siêu thị là hàng nội, đặc biệt đối với những mặt hàng rau, củ, quả tươi sống lên đến 95%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp cùng với các cơ quan chính quyền ban, ngành, địa phương tổ chức các chương trình như khuyến khích sử dụng hàng OCOP”, bà Nguyễn Thị Hải Thanh nói.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương với các hình thức sáng tạo và hiệu quả. Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhiều mặt hàng “made in Việt Nam” không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn đủ sức chi phối thị trường nội địa. Ông cho rằng sự vươn lên mạnh mẽ của hàng Việt bắt nguồn từ những nỗ lực đầu tư bài bản của doanh nghiệp, từ đa dạng hóa sản phẩm đến tối ưu hóa giá thành, khiến hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, khi hàng Việt được phủ sóng từ đó tạo điều kiện vào các siêu thị luôn là một trong những hoạt động chính được sở chú trọng trong nhiều năm qua: “Hoạt động trong kế hoạch của Thành phố để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo đó Thành phố đã tạo thuẩn lợi đẩy sản xuất, cũng như đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp”.
“Những điểm mạnh của hàng hoá Việt đó là chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, người Việt Nam thường lựa chọn các cửa hàng hóa tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Với sự quyết tâm sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự lựa chọn của người tiêu dùng, thì hàng hóa Việt Nam sẽ càng chiếm lĩnh vững chắc tại thị trường Việt Nam. Từ đó, tiếp tục lan tỏa sức mạnh của mình ra thị trường thế giới”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Những thách thức và định hướng phát triển
Mặc dù hàng Việt đang chiếm lĩnh phần lớn không gian trong các hệ thống bán lẻ, nhưng để giữ vững vị thế này trong tương lai, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt cần tập trung vào một số yếu tố then chốt.
Thứ nhất, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra đời những sản phẩm mới, bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn. Việc đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, xây dựng và bảo vệ thương hiệu là yếu tố quan trọng. Một thương hiệu mạnh không chỉ là tài sản vô hình mà còn giúp doanh nghiệp chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản trị cũng là bước đi cần thiết để đảm bảo hiệu quả hoạt động, từ sản xuất đến phân phối.
Thứ ba, mở rộng các kênh phân phối và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng tối đa các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại nhằm đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hàng Việt không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Với những nỗ lực đổi mới không ngừng, các doanh nghiệp Việt đang mở ra cơ hội lớn để phát triển bền vững.
Những con số tích cực về tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, trung tâm thương mại là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của sản phẩm nội địa. Tương lai, nếu các doanh nghiệp tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại, đồng thời đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, hàng Việt hoàn toàn có thể chinh phục những cột mốc mới, không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ kinh tế thế giới.