19/05/2025 lúc 09:00

IMEXPHARM KỲ VỌNG TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG MẠNH NHỜ DƯỢC CÔNG NGHỆ CAO

Imexpharm tiên phong phát triển dược phẩm công nghệ cao, giá trị cao, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong và ngoài nước.

Tăng trưởng kép trong dài hạn

Trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm (NCDs) đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, việc phát triển dược phẩm công nghệ cao ngày càng trở nên cấp thiết. Theo thông tin từ Bộ Y tế công bố vào tháng 1/2025, gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam hiện đang chiếm tới hơn 2/3 tổng gánh nặng y tế toàn quốc. Cụ thể, nước ta hiện có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, hơn 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Đáng lo ngại, mỗi năm có khoảng 125.000 trường hợp mắc mới ung thư. Những con số này cho thấy mức độ báo động của các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi các giải pháp y tế tiên tiến để quản lý và điều trị hiệu quả.

Trước thực trạng đó, việc triển khai các chính sách y tế phù hợp là vô cùng cần thiết. Vào tháng 4/2025, Bộ Y tế đã tổ chức họp để triển khai xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, với các quy định mới về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần, bảo đảm dinh dưỡng, phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, cung cấp nước sạch, bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và dự phòng thương tích. Đây là lần đầu tiên các chính sách này được đề xuất điều chỉnh ở cấp độ luật nhằm đảm bảo triển khai ổn định, lâu dài.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, các công ty dược phẩm Việt Nam cần gia tăng thị phần ở nhóm thuốc loại 1 và 2 để giảm sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu. Để khai thác tiềm năng, những doanh nghiệp đầu tư mạnh vào R&D, như Imexpharm, sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.

Dược sĩ làm việc tại phòng Lab của nhà máy Công nghệ cao IMP4 Đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm.
Dược sĩ làm việc tại phòng Lab của nhà máy Công nghệ cao IMP4 Đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm.

Một điều kiện thuận lợi khác là Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành mới đây, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt cho phép doanh nghiệp được tính gấp đôi (200%) chi phí R&D thực tế vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây chính là động lực thúc đẩy thúc đẩy tăng trưởng và khuyến các doanh nghiệp dược đầu ngành như Imexpharm đầu tư chiều sâu mạnh mẽ hơn cho R&D trong tương lai. Hiện tại, doanh nghiệp này đã có mức chi trung bình tăng 6%/năm cho R&D và luôn duy trì trên dưới 100 dự án nghiên cứu thường xuyên.

Bước ngoặt tăng trưởng của dược công nghệ cao

Trong số các doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm hiện có số lượng dây chuyền sản xuất đạt chuẩn cao nhiều nhất với 12 dây chuyền sản xuất EU-GMP và 3 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP. Trên nền tảng đó, bên cạnh vị thế dẫn đầu trong sản xuất thuốc kháng sinh, đặc biệt là công ty duy nhất có nhà máy kháng sinh Betalactam tiêm và uống đạt chuẩn EU-GMP, Imexpharm đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và giá trị cao, đặc biệt là nhóm thuốc “first generic” và thuốc tương đương sinh học, nhằm tối ưu hóa tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận.

Đồng thời, Imexpharm đang đẩy mạnh nhóm thuốc điều trị giá trị cao như thuốc tiêu hóa, tim mạch và tiểu đường. Những nhóm này hiện có quy mô thị trường 50 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) và tăng trưởng kép trên 8% trong 5 năm qua, trong đó thuốc điều trị tiểu đường tăng trưởng bình quân 13%/ năm.

Hệ thống sản xuất thuốc gói tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm.
Hệ thống sản xuất thuốc gói tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm.

Dự báo doanh thu dược phẩm toàn cầu tăng trưởng kép 7,8% đến năm 2026, trong khi thị trường dược Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 10-13%, có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu dược phẩm tại khu vực nhờ chi phí lao động thấp, thị trường nội địa lớn, khả năng tiếp cận nguyên liệu và khả năng thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn dược phẩm toàn cầu.

Trong năm 2025, Imexpharm sẽ khởi công xây dựng Tổ hợp nhà máy dược phẩm Cát Khánh theo tiêu chuẩn EU-GMP, công suất thiết kế dự kiến trung bình lên đến 1.4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm kể từ khi hoàn tất, vận hành toàn bộ dự án (công suất thực tế tùy theo từng giai đoạn), tập trung sản xuất các nhóm thuốc điều trị giá trị cao, về lâu dài đảm bảo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ Imexpharm 2025. Ảnh Imexpharm.
Phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ Imexpharm 2025. Ảnh Imexpharm.

Từ danh mục sản phẩm chất lượng cao, hệ thống thị trường rộng khắp cho đến bộ máy quản trị hiện đại, tại ĐHĐCĐ 2025, Ban lãnh đạo Imexpharm đặt mục tiêu tổng doanh thu dự kiến đạt 2.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 493,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 22,1% so với năm trước.  Theo đó, 2025 sẽ là năm bản lề cho tầm nhìn dài hạn của Imexpharm hướng đến trở thành một công ty dược hàng đầu châu Á.

Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, nhấn mạnh: “Tiên phong đầu tư cho công nghệ và chất lượng ngay từ những ngày đầu tiên giúp Imexpharm trở thành nhà sản xuất dược dẫn đầu về năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn EU-GMP liên tục trong nhiều năm qua. Trong năm 2025, Imexpharm sẽ tập trung triển khai mạnh mẽ ba định hướng chiến lược: nâng cao hiệu quả vận hành, mở rộng sang các lĩnh vực điều trị mới và đẩy mạnh tăng trưởng thông qua mở rộng hệ sinh thái sản phẩm và thị trường.”

Minh Duy