16/01/2025 lúc 17:48

Điện sinh khối trên 10MW được mua bán trực tiếp qua lưới điện quốc gia

Điện sinh khối trên 10MW được tham gia Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo.

Nghị định 80/2024 cho phép các dự án điện sinh khối từ 10MW trở lên, đấu nối vào lưới điện quốc gia, được tham gia DPPA, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp mua điện trực tiếp với mức giá cạnh tranh hơn.

Điện sinh khối
Điện sinh khối trên 10MW được tham gia Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Ảnh: Erav

Đối tượng được hưởng lợi từ việc mua bán điện trực tiếp

Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon. Trong đó, việc phát triển năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột quan trọng. Mở rộng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho điện sinh khối theo Nghị định 80/2024/NĐ-CP được xem là bước tiến đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường năng lượng sạch.

Theo quy định, các dự án điện sinh khối có công suất từ 10MW trở lên, đã được đấu nối vào lưới điện quốc gia, nay đủ điều kiện tham gia DPPA. Việc này cho phép các nhà máy điện sinh khối bỏ qua trung gian là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để trực tiếp bán điện cho các khách hàng lớn. Đây là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Khách hàng được tham gia mua điện trực tiếp là các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng điện từ cấp điện áp 22kV trở lên, phải có mức tiêu thụ điện bình quân hàng tháng từ 200.000 kWh. Mức tiêu thụ này đã điều chỉnh giảm so với các dự thảo trước đó (500.000 kWh), mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn điện sạch cho nhiều doanh nghiệp hơn.

Doanh nghiệp và nhà máy điện hưởng lợi ích kép 

Thương vụ mua bán điện trực tiếp này mang lại lợi ích thiết thực cho cả bên mua và bên bán. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ nguồn cung điện, dài hạn, ổn định, giảm thiểu rủi ro biến động giá. Hơn nữa, trực tiếp đàm phán giá với nhà máy điện cũng giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và tăng cường sức cạnh tranh. Đặc biệt, sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo còn giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường, nâng cao uy tín thương hiệu trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được chú trọng.

Về phía nhà máy điện sinh khối, DPPA giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, dự báo doanh thu dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ chế này cũng khuyến khích các nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường.

dien sinh khoi 10mw
Thương vụ mua bán điện trực tiếp này mang lại lợi ích thiết thực cho cả bên mua và bên bán. Ảnh: VnEconomy

Bổ sung điện sinh khối vào DPPA không chỉ đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tái tạo mà còn tạo ra tác động tích cực đến kinh tế – xã hội. Việc tận dụng nguồn sinh khối dồi dào từ nông nghiệp, lâm nghiệp giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đồng thời, việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện cũng là giải pháp hiệu quả để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc mở rộng DPPA cho điện sinh khối là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện Quy hoạch Điện VIII, hướng đến mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và 67,5% – 71,5% vào năm 2050. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh trên cả ba phương diện đó là phát điện, bán buôn và bán lẻ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành điện lực.

Cơ hội cho các doanh nghiệp điện sinh khối

Bên cạnh điện sinh khối, các nguồn năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, địa nhiệt,… đều được tham gia mua bán điện trực tiếp. Với điện mặt trời và điện gió, điều kiện tham gia DPPA qua lưới điện quốc gia là dự án phải có công suất trên 10MW. DPPA được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho thị trường năng lượng tái tạo, mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này, như BCG Energy, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn PC1,…

Doanh nghiệp DPPA có thêm lựa chọn trong việc tìm kiếm nguồn cung năng lượng, chủ động hơn trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. DPPA phát triển cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới một tương lai năng lượng xanh và bền vững cho Việt Nam.

Việc cho phép điện sinh khối tham gia mua bán điện trực tiếp là bước đi chiến lược, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.

Chí Cường