02/12/2024 lúc 10:21

Giá chung cư tăng đến 40% trong năm 2024: Nguồn cung dồi dào nhưng giao dịch thực tế chững lại

Mặc dù nguồn cung tăng mạnh, nhưng giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn duy trì mức tăng đáng kể, gây áp lực lên thị trường nhà ở.

giá chung cư
Hầu hết dự án chung cư mới đều có giá bán tăng cao (Trong ảnh: Dự án Lumi Hà Nội và Vinhomes Smart City). Ảnh: Dũng Minh.

Nguồn cung tăng mạnh, giá chung cư vẫn leo thang

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường Hà Nội đã đón nhận hơn 19.000 căn hộ mới, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số ấn tượng, đánh dấu sự phục hồi nguồn cung sau giai đoạn khan hiếm kéo dài. Tại TP.HCM, mặc dù quý III ghi nhận chỉ 127 căn hộ mới được mở bán – mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng dự kiến nguồn cung sẽ tăng mạnh trong quý IV và những năm tới, với hơn 35.000 căn hộ được bổ sung từ các dự án được tháo gỡ pháp lý.

Dẫu vậy, giá chung cư tại hai thành phố lớn vẫn tăng mạnh, với mức tăng 20,3% tại Hà Nội và 6,6% tại TP.HCM so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính được cho là do chi phí đầu tư tăng cao, trong khi nhu cầu mua nhà vẫn lớn, đặc biệt ở phân khúc chung cư mới.

Bên cạnh yếu tố cung cầu, tâm lý thị trường cũng đóng vai trò quan trọng. Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy 81% người tham gia tin rằng giá chung cư sẽ tiếp tục tăng, bởi bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, giúp bảo toàn vốn trong bối cảnh kinh tế biến động.

Nhà chung cư cũ giảm giá nhưng khó giao dịch

giá chung cư
Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Trong khi các dự án mới ghi nhận mức tăng giá đáng kể, giá chung cư cũ đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Những căn hộ tập thể hay chung cư tái định cư với tuổi đời lâu năm bị giảm giá do không còn đáp ứng nhu cầu về chất lượng sống và tiện ích.

Đơn cử, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, một căn hộ tái định cư diện tích 70 m² được rao bán với giá gần 60 triệu đồng/m² hồi đầu năm nay, nhưng hiện đã giảm xuống hơn 50 triệu đồng/m² sau nhiều lần rao bán không thành công. Tương tự, tại một số chung cư cũ ở quận Hà Đông, giá rao bán từng tăng liên tục nhờ sự thổi giá của môi giới, nhưng thực tế giao dịch rất thấp. Nhiều chủ nhà buộc phải giảm giá tới vài trăm triệu đồng mà vẫn khó tìm được khách mua.

Câu chuyện này cũng diễn ra tại TP.HCM, nơi một số chung cư cũ ở quận Gò Vấp và Bình Thạnh từng được đẩy giá lên mức cao, nhưng lại thiếu giao dịch thực tế. Nhiều căn hộ sau thời gian dài không bán được đã quay lại hình thức cho thuê để giảm thiểu thiệt hại tài chính.

Thị trường cần giải pháp cân bằng giá chung cư

giá chung cư
Ảnh: Cafebiz

Theo Bộ Xây dựng, giá chung cư trong quý III/2024 tiếp tục tăng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm, cá biệt có khu vực tăng tới 35-40%. Tuy nhiên, áp lực giá cao không chỉ đến từ cung cầu, mà còn từ các yếu tố như chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và kỳ vọng lợi nhuận của chủ đầu tư.

Ông Trần Anh Tiến, Giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội, cho rằng chi phí đầu tư ngày càng cao đã khiến giá bán tăng. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ giá rẻ và nhà ở xã hội vẫn rất hạn chế, dẫn đến sự mất cân đối trên thị trường.

Để ổn định giá chung cư và thúc đẩy thanh khoản, các chuyên gia cho rằng cần những giải pháp đồng bộ từ cả phía chính phủ và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chính sách thuế, hỗ trợ chuyển đổi quỹ đất, và khuyến khích phát triển nhà ở giá rẻ sẽ là chìa khóa quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhấn mạnh rằng giá đất hiện chiếm tới 40% cơ cấu giá thành căn hộ. Do đó, cần có chính sách điều tiết để giảm áp lực chi phí đất, qua đó giảm giá bán và tăng khả năng tiếp cận của người mua nhà.

Trong bối cảnh các nghị quyết về bất động sản dự kiến được thông qua trong kỳ họp Quốc hội, thị trường kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực, tạo điều kiện cho giá chung cư trở về mức hợp lý hơn. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan nhằm tháo gỡ các nút thắt hiện tại.

Chí Toàn

Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn