Thị trường chứng khoán loay hoay tìm hướng đi khi thanh khoản vẫn thấp
Thị trường chứng khoán tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm, VN-Index tăng điểm nhẹ với sắc xanh của các mã vốn hóa lớn, song thanh khoản vẫn chưa khả quan.
VN-Index tiếp tục tăng điểm
Kết quả phiên giao dịch của thị trường chứng khoán ngày 25/11, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 6,60 điểm, đóng cửa tại mức 1.234,7 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng có sự tăng nhẹ với 0,96 điểm, đạt 222,25 điểm.
Dù VN-Index hồi phục trong phiên này, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục giảm và đạt mức thấp thứ hai trong tháng 11. Tổng khối lượng giao dịch đạt khoảng 497,8 triệu đơn vị, với giá trị lên tới 11.953,77 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia nhận định khả năng tích cực của vùng hỗ trợ 1.200 điểm nhờ vào ba yếu tố chính như nền tảng định giá ổn định, bối cảnh vĩ mô không có nhiều rủi ro và tình hình liên thị trường chứng khoán vẫn diễn ra tích cực.
Mặc dù thanh khoản thị trường thấp, phản ứng tích cực khi chỉ số chạm ngưỡng 1.200 vào phiên 20/11 cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng tham gia mua vào với tâm lý bắt đáy. Tuy nhiên, sự thiếu tự tin trong việc mua đuổi vẫn còn tồn tại và theo dự báo, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục hướng về ngưỡng kháng cự cũ tại 1.240 điểm.
Đại diện của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), cho rằng, với việc VN-Index kết phiên với nến xanh, cho thấy thị trường đang hồi phục ổn định. Chỉ báo RSI hướng lên và MACD đã hình thành đáy, nhưng thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư thận trọng với việc chốt lời ngắn hạn. Mặt khác, đường +DI chưa vượt qua mốc 25, cảnh báo khả năng điều chỉnh trong quá trình hồi phục. Khu vực 1.240 – 1.245 sẽ là kháng cự ngắn hạn.
Ở khung đồ thị giờ, VN-Index đã vượt lên trên đường mây đỏ Senkou-span B, và chỉ báo CMF cho thấy dòng tiền ổn định. MACD tiếp tục tăng cho thấy VN-Index sẽ tiếp tục hồi phục, tiến đến khu vực 1.240 – 1.250 trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán vẫn có động lực hồi phục ổn định và áp lực chốt lời không lớn, tạo cơ hội cho xu hướng tăng ngắn hạn. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng nhịp rung lắc để giải ngân từng phần vào cổ phiếu ổn định bám sát đường MA20, có tiềm năng tăng trưởng từ vùng hỗ trợ, đặc biệt trong các ngành như chứng khoán, ngân hàng và bất động sản trong quý 4.
Thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều “bấp bênh”
Một điều đáng chú ý, sau tháng bán ròng mạnh mẽ cũng như phiên giao dịch cuối tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng giải ngân, mua ròng hơn 115 tỷ đồng trong phiên 25/11, gấp hơn bốn lần so với phiên trước đó.
Mặc dù không thể khẳng định hoàn toàn xu hướng bán ròng của khối ngoại do ảnh hưởng của tỷ giá, nhưng có thể nhận thấy rằng những giai đoạn bán ròng quyết liệt của khối ngoại trong năm 2024 trùng khớp với các đợt tăng mạnh của tỷ giá. Điều này làm nổi bật tác động đầu tiên lên thị trường chứng khoán chính là dòng tiền.

Ngoài ra, các yếu tố như tâm lý của nhà đầu tư, những kỳ vọng về bối cảnh vĩ mô cũng đang tạo ra ảnh hưởng đáng kể, khi nhiều người bày tỏ sự lo ngại về khả năng nâng lãi suất nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Ngay cả các thị trường chứng khoán Mỹ và vàng, vốn có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, cũng gặp khó khăn, thể hiện qua những lần điều chỉnh đáng kể.
Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam, với dòng tiền yếu và thiếu sự hỗ trợ của các cổ phiếu mạnh trong ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, và bất động sản, sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ sự tăng giá mạnh của USDX, trong bối cảnh dòng tiền nội địa đã suy yếu trước đó do thanh khoản giảm trong những tháng gần đây cùng với xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngay tại thời điểm, các chuyên gia đã khuyến nghị rằng nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến của chỉ số để xác định thời điểm mua thăm dò, đặc biệt với cổ phiếu có nền giá thấp và thu hút dòng tiền. Đối với vị thế trung và dài hạn, các nhịp điều chỉnh được xem là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của doanh nghiệp có tăng trưởng cao với mức giá chiết khấu. Nhà đầu tư nên tập trung vào mục tiêu này và hạn chế “lướt sóng” T+.
Minh Thư
Xem thêm thông tin tại đây