Doanh nghiệp mong đợi những đột phá mới trước làn sóng cải cách
Doanh nghiệp kỳ vọng các cơ chế mới sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp mong chờ cơ chế mới
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ nhằm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình Cắt giảm Giấy phép và Đổi mới Hoạt động Cấp phép tại các Bộ, ngành và địa phương giai đoạn 2025 – 2030. Đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
“Dự thảo đã bao quát hết các lĩnh vực, vấn đề và đặc biệt là rõ mục tiêu, thời hạn cụ thể. Đây là điều mà các doanh nghiệp luôn trông đợi”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP hào hứng chia sẻ.
Đặc biệt, theo dự thảo, vào năm 2026, các điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ không còn mang tính chất chung chung và thiếu rõ ràng như hiện nay. Việc rà soát và bãi bỏ tối thiểu 5% các điều kiện không hợp pháp, không còn phù hợp thực tiễn mỗi năm cũng được đề xuất. Đến năm 2030, Chính phủ dự kiến sẽ bãi bỏ hoặc thu hẹp ít nhất 20% các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện so với năm 2024.
Một trong những điểm nhấn của Dự thảo là việc thí điểm triển khai “luồng xanh” trong thủ tục hành chính đối với một số loại dự án đặc thù. Mục tiêu là đến năm 2025, quy trình thủ tục hành chính sẽ được công khai, cập nhật, và thí điểm cơ chế luồng xanh cho các dự án như nhà ở, công trình giao thông, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, và điện tử.
Đây là những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước, và việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ hơn.
Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đang tỏ ra vô cùng hào hứng và kỳ vọng vào những thay đổi lớn từ các cơ chế cải cách này. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình rằng, thủ tục hành chính hiện tại là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình hoạt động. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, doanh nghiệp sẽ khó có thể phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các quy định không còn phù hợp
Mặc dù Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng kết quả chưa đạt được kỳ vọng. Các cải cách chủ yếu tập trung vào việc giảm hồ sơ và rút ngắn thời gian thực hiện, nhưng số lượng thủ tục cắt giảm vẫn khiêm tốn, với chỉ 431 thủ tục được loại bỏ từ đầu năm 2021 đến nay.
Tổng số thủ tục hành chính giảm từ 6.778 xuống 6.347 vào tháng 9/2024, cho thấy việc cắt giảm chưa được triển khai mạnh mẽ. Đáng lưu ý, thủ tục cấp phép, liên quan đến gia nhập thị trường và các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chiếm tới 81,6% tổng số thủ tục hành chính toàn quốc.
Điều này cho thấy vấn đề cấp phép vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Cũng theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), khoảng 44,5% doanh nghiệp tư nhân cho rằng, rào cản lớn nhất của họ chính là các quy định về thủ tục hành chính, cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp nhà nước (35%) và doanh nghiệp FDI (39%).
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân vốn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và hạn chế do các thủ tục hành chính phức tạp và lỗi thời.
Không chỉ vậy, kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng cho thấy, có đến 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.
Đặc biệt, 61,36% doanh nghiệp còn phải trả chi phí không chính thức cao trong quá trình xin cấp phép. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả của các chính sách cải cách.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là, những phiền hà trong thủ tục cấp phép là nguyên nhân khiến khoảng 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh của mình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, cũng như làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, đã đề nghị bổ sung yêu cầu các cơ quan nhà nước phải lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và có trách nhiệm giải trình đối với các ý kiến đóng góp trong quá trình soạn thảo và ban hành các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh.
“Việc tham vấn đầy đủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào các phương án rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ khiến hoạt động này trở nên thực chất và hiệu quả”, ông Đậu Anh Tuấn gửi kiến nghị.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị tách riêng tỷ lệ mục tiêu của việc cắt giảm giấy phép và chuyển sang hình thức thông báo tự động, thay vì gộp chung như trong dự thảo hiện nay.
Mục đích là phân biệt rõ ràng giữa việc bãi bỏ giấy phép và việc đơn giản hóa thủ tục, trong đó giấy phép vẫn có thể tồn tại nhưng các thủ tục sẽ trở nên thuận tiện hơn. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh quá khắt khe. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng hành chính và thúc đẩy môi trường kinh doanh cởi mở, linh hoạt hơn, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Kim Khanh
Nguồn: vietnamfinance.vn