24/11/2024 lúc 16:11

Giải mã nguyên nhân thị trường chứng khoán dao động hẹp trong năm 2024

Chứng khoán năm qua dao động hẹp do áp lực bán ròng khối ngoại, biến động tỷ giá và khó khăn nhóm bất động sản.

Dưới đây là phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) về diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, cùng với một số yếu tố tác động chính đến xu hướng thị trường.

Kỳ vọng 1.200 điểm là mức đáy

Theo SHS, VN-Index đã nhiều lần test vùng hỗ trợ 1.200 điểm, tương đương với 62% GDP 2024. Đây là mức vốn hóa hấp dẫn trong bối cảnh GDP 2025 dự kiến tăng 6,5-7%. Hiện tại, chất lượng thị trường cải thiện dần với nhiều cổ phiếu ở mức giá tốt, mở ra cơ hội đầu tư.

SHS cho rằng VN-Index có thể tạo đáy ở mốc 1.200 điểm, trừ khi có yếu tố bất ngờ mới. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý và xem xét giải ngân vào cổ phiếu cơ bản tốt. “Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Tỷ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt”, SHS khuyến nghị

Nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường chứng khoán
Nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường chứng khoán ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Công ty CSI ghi nhận VN-Index lần đầu giảm xuống dưới 1.200 điểm trong gần 4 tháng và đã phục hồi nhờ lực cầu bắt đáy. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn hiện hữu, và chỉ số đã hồi phục hơn 20 điểm sau khi phá vỡ ngưỡng tâm lý này.

Kết thúc tuần từ 18-22/11, VN-Index đạt 1.228,1 điểm, tăng 0,78%. Thanh khoản giảm 15,2% so với mức trung bình. Các ngành như phân bón, dược phẩm, và hàng không dẫn dắt đà tăng, trong khi hàng tiêu dùng và hóa chất chịu áp lực giảm.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 5.198 tỷ đồng, chủ yếu ở cổ phiếu vốn hóa lớn. CSI nhận định xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế, nhưng VN-Index đã kiểm tra mốc 1.200 điểm thành công, cho thấy đây là hỗ trợ mạnh. Họ dự đoán VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.210 – 1.240 điểm trong tuần tới.

ACBS cũng thấy rằng VN-Index giằng co quanh 1.230 điểm với thanh khoản tăng, nhưng các chỉ báo kỹ thuật cho thấy sự hồi phục. Mirae Asset cảnh báo về tình trạng thanh khoản kém có thể ảnh hưởng đến khả năng vượt kháng cự 1.230 điểm. KIS Việt Nam cũng đồng tình, cho rằng cần thêm xác nhận về khối lượng để mở lại vị thế.

Chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) có cái nhìn thận trọng về diễn biến gần đây của VN-Index. Theo đó, họ lưu ý rằng mặc dù chỉ số đã phục hồi từ ngày 20/11, những vấn đề thanh khoản đang là mối quan tâm lớn nhất khi trong hai phiên giao dịch gần đây, dòng tiền vào thị trường đã có dấu hiệu suy yếu.

Để có thể vượt qua mốc kháng cự 1.230 điểm trong thời gian ngắn, VN-Index cần sự hỗ trợ đồng thuận từ dòng tiền. Với tình hình hiện tại, có khả năng chỉ số sẽ cần thêm thời gian tích lũy.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng đồng ý với nhận định này, cho biết rằng mặc dù biểu đồ hiện tại cho thấy tín hiệu tăng trưởng, nhưng vẫn cần có sự xác nhận về khối lượng giao dịch trước khi mở lại các vị thế mới. Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm sâu trong khi nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ trong tuần qua.

Chứng khoán toàn cầu tăng vọt

Chỉ số Dow Jones đạt mức kỷ lục mới vào ngày 22/11, đánh dấu đà tăng của phố Wall sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đồng euro giảm so với USD khi dữ liệu kinh tế Eurozone không làm hài lòng nhà đầu tư.

Cổ phiếu trên thế giới ghi nhận sự tăng trưởng
Cổ phiếu trên thế giới ghi nhận sự tăng trưởng. Ảnh minh họa

Cụ thể, Dow Jones tăng 1% lên 44.296,51 điểm, S&P 500 tăng 0,4% lên 5.969,34 điểm, và Nasdaq Composite tăng 0,2% lên 19.003,65 điểm. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã xác lập hoặc gần kỷ lục kể từ sau cuộc bầu cử, trước kỳ vọng rằng chính sách cắt giảm thuế và nới lỏng quy định của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bù đắp cho các tác động tiêu cực từ thuế quan.

Đồng USD vẫn mạnh lên, phản ánh sự không chắc chắn về khả năng giảm lãi suất tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng thời trở thành tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine. Trong tuần qua, nhà đầu tư chờ thêm thông tin về chính sách thương mại của chính quyền mới tại Mỹ, đặc biệt là với hàng hóa từ Trung Quốc, gây lo ngại về việc quay lại cuộc chiến thương mại.

Tại châu Á, vào chiều 22/11, đa số cổ phiếu tăng giá nhờ đà phục hồi từ Phố Wall và sự gia tăng giá Bitcoin gần 100.000 USD/BTC. Trong phiên giao dịch, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) tăng 0,7%, chủ yếu nhờ vào sự hồi phục của các cổ phiếu công nghệ sau đợt bán tháo hôm 21/11.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,68% lên 38.283,85 điểm sau khi số liệu lạm phát tháng 10 giảm xuống 2,3%, gần sát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Nhiều nhà đầu tư tin rằng BoJ có thể điều chỉnh lãi suất ngắn hạn trong cuộc họp tháng 12 tới.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,77% lên 8.633,10 điểm, và chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,83% lên 2.501,24 điểm. Hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn khác ở châu Á cũng ghi nhận sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc lại đi ngược xu hướng; chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,01% xuống còn 19.206,33 điểm.

Minh Thư

Nguồn: Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam