Định hướng đầu tư khi thị trường chứng khoán hồi phục yếu
VN-Index đang phục hồi, hướng đến ngưỡng 1.230 điểm. Thị trường cải thiện sau thời gian tích lũy, nhiều cổ phiếu có mức giá hấp dẫn.
Chất lượng trung hạn của thị trường chứng khoán đang cải thiện
Trong bối cảnh VN-Index vừa trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, tuần qua ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực tại vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm. Đây không chỉ là mốc hỗ trợ tâm lý mà còn là đường xu hướng quan trọng nối các mức giá thấp từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2024, gắn liền với xu hướng tăng trưởng từ năm 2020 đến nay.
Kết thúc tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,78%, đạt 1.228,10 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản lại giảm 16,97% trên sàn HOSE, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Thị trường phân hóa rõ nét với sự phục hồi mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, tài chính và viễn thông, trong khi các nhóm ngành khác vẫn gặp khó khăn.
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị lên đến 5.198,73 tỷ đồng trong tuần. Tuy nhiên, áp lực bán có dấu hiệu giảm dần, đặc biệt trong phiên cuối tuần, khi khối ngoại chuyển sang mua ròng các mã như HDG và TCB.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2411 tăng 22,40 điểm (+1,76%) lên 1.298 điểm, với mức chênh lệch dương 11,93 điểm so với VN30. Các hợp đồng kỳ hạn xa hơn như VN30F2412, VN30F2503 và VN30F2506 cũng cho thấy mức chênh lệch tích cực từ 15,13 đến 17,33 điểm, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.
Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch tăng 2,72% so với tuần trước, vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2411 dự kiến sẽ duy trì trong vùng 1.300 điểm, với khả năng thu hẹp chênh lệch.
Khối lượng mở (OI) giảm mạnh xuống còn 44.327, thấp hơn đáng kể so với tuần gần nhất (64.319), một diễn biến thường thấy trong các tuần đáo hạn hợp đồng. VN-Index hiện đang trong giai đoạn phục hồi sau chuỗi giảm mạnh, với kỳ vọng kiểm tra các mức kháng cự quan trọng tại 1.230 điểm (đường giá trung bình 200 tuần) và 1.250 điểm.
Hỗ trợ gần nhất được xác định quanh mức 1.220 điểm. Trong khi đó, chỉ số VN30 cần sự cải thiện đáng kể về thanh khoản để vượt qua đường trung bình 200 phiên ở ngưỡng kháng cự 1.290 điểm.
Dưới áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại trong năm qua, cùng với yếu tố tỉ giá và dòng tiền chảy ra từ các cổ phiếu bất động sản lớn, VN-Index đã nhiều lần kiểm tra vùng hỗ trợ 1.200 điểm, tương ứng với mức vốn hóa thị trường khoảng 62% GDP năm 2024. Đây được xem là mức vốn hóa hấp dẫn, đặc biệt khi tăng trưởng GDP năm 2025 được kỳ vọng đạt 6,5-7%.
Theo ông Phan Tấn Nhật, Giám đốc Chiến lược thị trường tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), diễn biến hiện tại cho thấy chất lượng nội tại trung hạn của thị trường đang cải thiện. Nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đã tích lũy lâu dài, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Ông Nhật nhận định: “VN-Index kỳ vọng tạo đáy tại vùng 1.200 điểm, tương ứng với vùng giá cao nhất năm 2018 và hỗ trợ các xu hướng tăng trưởng trung dài hạn. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, ưu tiên các cổ phiếu cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực và triển vọng ổn định”.
Chiến lược đầu tư ngắn và trung hạn
Theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu – Phân tích tại Công ty TNHH Chứng khoán VCB (VCBS), tuần qua chứng kiến sự phục hồi nhờ lực cầu bắt đáy, đặc biệt từ phiên ngày 20/11. Dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, đã tạo động lực cho thị trường.
Tuy nhiên, khối ngoại vẫn là điểm trừ khi bán ròng mạnh trong tuần, gây áp lực lên diễn biến chỉ số. Đáng chú ý, phiên cuối tuần ghi nhận sự chững lại do lực chốt lời ngắn hạn. Khối ngoại chuyển sang mua ròng nhẹ với giá trị 31,54 tỷ đồng, tập trung vào các mã HDG, TCB, FPT.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index kết tuần với nến Inverted Hammer, cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng. Các chỉ báo RSI và MACD đang trong giai đoạn tạo đáy, dự báo thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong ngắn hạn. VN-Index cũng đang tiến gần đường MA20 tại vùng kháng cự 1.240 điểm, đòi hỏi sự đồng thuận mạnh mẽ từ dòng tiền và thanh khoản để có thể bứt phá.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số ghi nhận biên độ dao động nhỏ quanh đường biên trên của dải Bollinger band, cho thấy chưa có dấu hiệu bất thường. Nếu dòng tiền duy trì sự lan tỏa, VN-Index có thể hướng đến mốc 1.240-1.242 điểm, tương ứng với ngưỡng kháng cự của đường mây đỏ Senkou-span B.
Ông Hoàng khuyến nghị: “Nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời ở các mã đạt mục tiêu và xuất hiện dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, nhà đầu tư trung-dài hạn nên tiếp tục giữ các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, thậm chí xem xét giải ngân thêm khi thị trường rung lắc”.
Nhóm ngành đáng chú ý trong giai đoạn này bao gồm bán lẻ, phân bón-hóa chất, công nghệ-viễn thông và ngân hàng, nhờ triển vọng kinh doanh tích cực và sự hỗ trợ từ dòng tiền thị trường.
Minh Thư
Nguồn: Thời báo ngân hàng