21/11/2024 lúc 15:22

AI – Đòn bẩy hay thách thức cho thị trường lao động Đông Nam Á

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi nhanh chóng cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có xu hướng gia tăng. Thái Lan và Singapore có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, lần lượt 1,1% và 1,9%. Việt Nam đạt 2,1%, Malaysia 3,5%, trong khi Philippines và Indonesia lần lượt là 5,1% và 5,2%. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một yếu tố quan trọng giúp tái cấu trúc thị trường lao động và mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, đặc biệt đối với các nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, người lớn tuổi và thanh niên.

AI và thị trường lao động
Ảnh: Nhịp cầu Đầu tư

Trí tuệ nhân tạo mở ra cơ hội mới cho các ngành công nghiệp

Mặc dù thị trường lao động ASEAN đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng một số ngành công nghiệp vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của công nghệ AI. Những ngành như an ninh lương thực, thương mại điện tử, sản xuất, và chăm sóc sức khỏe đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội. AI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực này, từ việc tăng cường khả năng phân tích dữ liệu đến tối ưu hóa quy trình làm việc.

Một ví dụ điển hình là chiến dịch sử dụng trí tuệ nhân tạo của Pizza Hut Singapore. Sáng kiến này đã giúp việc quảng bá sản phẩm trở nên hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí. Không chỉ giúp cắt giảm chi phí quảng cáo mà còn giúp các công ty tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự. Các công ty lớn như Apple, Microsoft, Google và Nvidia đang đầu tư mạnh vào khu vực này, điều này cho thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra cơ hội việc làm mới cho nhân viên trong các lĩnh vực công nghệ và dữ liệu.

Thách thức đặt ra cho các nhóm yếu thế

Mặc dù trí tuệ nhân tạo đem đến nhiều lợi ích, song sự phát triển này cũng đặt ra những thách thức lớn đối với các nhóm yếu thế trong xã hội. Phụ nữ, người khuyết tật, người lớn tuổi và thanh niên thiếu cơ hội học hỏi và tiếp cận đào tạo về trí tuệ nhân tạp sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia vào nền kinh tế số. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, người khuyết tật có nguy cơ thất nghiệp cao gấp 2,3 lần so với người không khuyết tật, và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này, bởi các thuật toán tuyển dụng có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị.

Một khảo sát của PwC cho thấy 54% lao động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi bản chất công việc của họ theo chiều hướng tiêu cực. Các ngành nghề như dịch vụ khách hàng, sản xuất, và logistics ngày càng bị tự động hóa, điều này tạo ra nguy cơ loại trừ cao đối với các lao động thiếu kỹ năng hoặc không có khả năng tiếp cận các khóa đào tạo về công nghệ.

Giải pháp cho các nhóm yếu thế thông qua chuyển đổi công bằng AI

Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp quan trọng được đề xuất là khái niệm “Chuyển đổi công bằng AI”. Đây là một mô hình chuyển đổi không chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo công bằng xã hội, giúp tất cả các nhóm trong xã hội đều có cơ hội tham gia vào nền kinh tế số. Các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, và Nhật Bản đã đi đầu trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng lợi ích chủ yếu hiện nay vẫn dành cho những người có kỹ năng cao.

Chuyển đổi công bằng không chỉ là việc cải thiện cơ hội tiếp cận đào tạo cho các nhóm yếu thế mà còn là việc đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo không tạo ra sự phân biệt hay thiên vị trong quy trình tuyển dụng. Đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng mọi người, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và xa xôi, đều có cơ hội tiếp cận và học hỏi các kỹ năng cần thiết.

AI và thị trường lao động
Ảnh: Hội Truyền thông số Việt Nam

Đào tạo và nâng cao kỹ năng nhằm giảm thiểu sự loại trừ

Theo công ty PwC, khoảng 97% người sử dụng lao động nhận thấy khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động châu Á. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của AI, các quốc gia cần đầu tư vào chương trình đào tạo cho người lao động. Các sáng kiến đào tạo như chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia của Singapore hay Hàn Quốc đang được triển khai mạnh mẽ, nhưng vẫn cần cải thiện để các nhóm yếu thế có thể tham gia.

Ngoài ra, chính phủ và các tổ chức hợp tác để phát triển các chương trình đào tạo phù hợp cho người lớn tuổi, người khuyết tật, và phụ nữ, giúp họ không bị bỏ rơi phía sau trong quá trình chuyển đổi này. Các chương trình đào tạo có thể bao gồm việc sử dụng công nghệ di động để tiếp cận các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, hoặc hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận để tạo ra cơ hội học hỏi cho những người thiếu tài nguyên.

Tương lai của trí tuệ nhân tạo và thị trường lao động Đông Nam Á

Trí tuệ nhân tạo  chắc chắn sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động ở Đông Nam Á. Mặc dù đem đến cơ hội mới cho nền kinh tế và tạo ra những ngành nghề mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhóm yếu thế trong xã hội. Để đảm bảo rằng chuyển đổi công nghệ này không làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng, các quốc gia cần tập trung vào việc tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả người lao động, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Với các sáng kiến như Chuyển đổi công bằng trí tuệ nhân tạo và đầu tư vào đào tạo kỹ năng, khu vực Đông Nam Á có thể khai thác tiềm năng của trú để xây dựng một thị trường lao động công bằng và bền vững hơn.

Thu Ngân

Xem thêm tin: Tại đây