Tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng, doanh nghiệp dự báo kỷ lục mới
Kết quả 10 tháng và tốc độ tăng trưởng hiện tại cho thấy nhiều dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ đạt 800 tỷ USD.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng 9, tương đương tăng thêm 3,35 tỷ USD. Các ngành hàng chủ lực như nông sản, thủy sản và dệt may đều đóng góp quan trọng, với tốc độ tăng trưởng từ 6-7% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 35,59 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 4,4%, trong khi nhập khẩu ghi nhận 33,6 tỷ USD, tăng 5,8%. Kết quả này không chỉ cho thấy sự hồi phục của thương mại mà còn góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.
Tính lũy kế trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với mức tăng 88,57 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương đương tăng 43,54 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD). Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu 23,3 tỷ USD, đánh dấu một kết quả tích cực và sự cải thiện đáng kể trong cán cân thương mại.
Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cả ba thị trường là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn giữ vững vai trò là những thị trường tiêu thụ lớn cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 16,8% và 15,4%. Theo đó, đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản, đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
“Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tháng 10 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 5,91 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu chỉ cần đạt 5,5 tỷ USD/tháng, ngành nông nghiệp sẽ về đích 62 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có những nhận định.
Bên cạnh đó, Thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với Mỹ và EU dẫn đầu, bất chấp những thách thức toàn cầu. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may vẫn đạt mức tăng trưởng 6-7% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 có thể chạm mức 43-44 tỷ USD.
Những tín hiệu tích cực này đã giúp ngành Hải quan đạt được số thu ngân sách ấn tượng, khi tổng thu từ xuất nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2024 lên tới 346.283 tỷ đồng, đạt 92,3% dự toán và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Sở dĩ tổng thu của ngành Hải quan tăng là do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế tăng 5,3% và kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng 16,4%”, đại diện Cục thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan đã có chia sẻ.
Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chính như nguyên liệu, máy móc thiết bị và phụ tùng phục vụ sản xuất tăng 18,6%, đóng góp thêm khoảng 29.600 tỷ đồng vào ngân sách. Than nhập khẩu cũng tăng 31,5% về lượng và 13,2% về giá trị, giúp tăng thu ngân sách thêm 3.200 tỷ đồng. Dầu thô nhập khẩu tăng 28,5% về lượng và 25,1% về giá trị, mang lại thêm 4.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP cũng góp phần vào kết quả này.
Trong tháng 10, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 38.298 tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 9, với các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn và thuế suất cao tăng mạnh. Đáng chú ý, xăng dầu tăng 59,7% về lượng và 67,9% về giá trị, giúp ngân sách thu thêm 858 tỷ đồng. Sắt thép tăng 64,3% về lượng và 52,4% về giá trị, mang lại thêm 1.095 tỷ đồng. Máy móc và thiết bị, phụ tùng tăng 10,3% về giá trị, góp thêm 584 tỷ đồng, trong khi linh kiện ô tô tăng 22,6% về giá trị, bổ sung 492 tỷ đồng.
Dự báo cho vấn đề xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm 2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Công thương cho rằng: “Dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng”.
Đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng nhu cầu tiêu thụ tăng vào cuối năm. Các nhà bán lẻ toàn cầu đang tăng cường dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng điện tử, dệt may và tiêu dùng cho mùa lễ hội cuối năm.
Các thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam cũng tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Để hỗ trợ sản xuất và thương mại quý IV, giai đoạn quyết định cho mục tiêu cả năm 2024, Bộ Công Thương cam kết tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA và các thể chế thương mại mới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định hai nhóm hàng chủ lực – nông sản và hàng công nghiệp chế biến – sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Mỹ và EU, khi các dấu hiệu lạm phát giảm giúp sức mua cải thiện trở lại. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, ngành nông sản cũng có nhiều tiềm năng nhưng cần linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để ứng phó với tính mùa vụ và biến động giá cả. Với những thành tựu trong 10 tháng qua và tốc độ tăng trưởng tích cực, các chuyên gia và nhà quản lý kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục 800 tỷ USD.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: Vietnam Business Forum