14/10/2024 lúc 10:29

Xuất khẩu tăng tốc, lãi ròng năm nay của Thép Nam Kim (NKG) có thể tăng gấp 6 lần

Kênh xuất khẩu được nhận định sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) trong nửa cuối năm nay. Qua đó, giúp lãi ròng cả năm nay của Thép Nam Kim có thể tăng gấp 6 lần so với năm 2023.

Kết thúc nửa đầu năm nay, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt hơn 10.951 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ và lãi sau thuế đạt gần 370 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023, và quay về mức trung bình trong lịch sử hoạt động.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc nhu cầu trên cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa đều được cải thiện tích cực, giúp tổng sản lượng tiêu thụ trong kỳ tăng 18%. Biên lợi nhuận của Thép Nam Kim cũng ghi nhận mức dương trở lại, mặc dù được hỗ trợ phần lớn bởi thu nhập tài chính khi công ty ghi nhận lãi tỷ giá từ kênh xuất khẩu.

Dữ liệu mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, Thép Nam Kim tiêu thụ được 546.800 tấn tôn mạ, tăng 28,6% so cùng kỳ và chiếm 17% thị phần cả nước.

Trong đó, tiêu thụ qua kênh xuất khẩu đạt 402.800 tấn và tiêu thụ trên thị trường nội địa đạt 143.900 tấn, lần lượt tăng gần 30% và 25% so cùng kỳ năm ngoái.

EU-hien-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-Thep-Nam-Kim-thuong-xuyen-chiem-toi-50-tong-doanh-thu-xuat-khau-cua-cong-ty
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thép Nam Kim, thường xuyên chiếm tới 50% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty.

Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, kênh xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Thép Nam Kim trong nửa cuối năm nay khi lạm phát và lãi suất tại EU, thị trường chiếm đến 50% tổng doanh số, đang dần giảm xuống, thúc đẩy các hoạt động sản xuất sử dụng thép và tôn mạ.

Tuy nhiên, Chứng khoán Vietcombank lưu ý, biên lợi nhuận của Thép Nam Kim nói riêng, ngành tôn mạ nói chung trong nửa cuối năm nay có thể sẽ bị thu hẹp trở lại trong bối cảnh giá thép xuất khẩu tại EU đã điều chỉnh giảm theo giá thép Trung Quốc trong quý 2 và nửa đầu quý 3 vừa qua.

Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Vietcombank dự báo doanh thu cả năm nay của Thép Nam Kim ước đạt 21.496 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế có thể tăng gấp hơn 6 lần, đạt 718 tỷ đồng.

Chứng khoán Vietcombank cũng lưu ý, hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim có thể đối mặt rủi ro trong thời gian tới khi EU có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhóm sản phẩm thép.

Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã cổ phiếu SMC) – một trong những nhà phân phối lớn nhất của Thép Nam Kim vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kênh tiêu thụ nội địa của Thép Nam Kim, theo Chứng khoán Vietcombank.

Điểm sáng là Thép Nam Kim vẫn đang duy trì quan điểm thận trọng với nhu cầu thị trường nên lượng hàng tồn kho không biến động quá nhiều trong nửa đầu năm vừa qua, giúp rủi ro trích lập giảm giá hàng tồn kho ở mức thấp so với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành.

Dien-bien-gia-va-khoi-luong-giao-dich-co-phieu-NKG-cua-Thep-Nam-Kim-tu-dau-nam-2024-den-nay
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong một diễn biến có liên quan, Thép Nam Kim đang có kế hoạch chào bán gần 132 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý 4/2024 nhằm huy động 1.580 tỷ đồng để triển khai dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.

Dự án Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Trong đó, cơ cấu vốn góp của Thép Nam Kim là 30% (tương đương khoảng 1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (tương đương khoảng 3.150 tỷ đồng). Theo thiết kế, dự án có tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Sản phẩm chính của Nhà máy Phú Mỹ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Thép Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).

Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Thép Nam Kim nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu và ổn định biên lợi nhuận nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp tại Việt Nam, cũng như giảm mức độ phụ thuộc vào ngành xây dựng, bất động sản.

Nguồn: Tạp chí Công Thương – Duy Quang