Xây dựng hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng cổ phiếu ngành xây dựng năm 2025
Cổ phiếu nhóm xây dựng năm 2025 hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đầu tư công và phục hồi bất động sản, nhưng vẫn đối mặt thách thức về vốn.

Ngành xây dựng Việt Nam đang có bước phát triển trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) đạt 11% (2013-2023) nhờ công nghiệp hóa, thị trường bất động sản phát triển, và năng lực cạnh tranh trong đấu thầu. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành cũng phải đối diện với nhiều thách thức cần điều chỉnh chiến lược từ doanh nghiệp và chính phủ.
Tăng trưởng ấn tượng và xu hướng mở rộng lĩnh vực
Giai đoạn 2012-2024, ngành xây dựng Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhờ đầu tư hạ tầng và công nghiệp. Báo cáo VCBS cho thấy, doanh nghiệp đang mở rộng sang xây dựng công nghiệp để tăng backlog, cải thiện biên lợi nhuận và mở rộng quan hệ với nhà đầu tư, cơ quan quản lý, tạo cơ hội trúng thầu.
Sang năm 2025, đầu tư công tiếp tục là động lực chính với tổng vốn giải ngân năm 2024 đạt 548.569 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, các cơ chế tháo gỡ khó khăn về nguyên vật liệu đã bắt đầu phát huy hiệu quả, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Điển hình là Nghị quyết số 106, cho phép các nhà thầu không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, cùng với việc điều chuyển linh hoạt nguyên vật liệu giữa các dự án như vận chuyển cát từ dự án Cần Thơ – Sóc Trăng sang Cần Thơ – Cà Mau.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của ngành xây dựng hạ tầng cũng đang có xu hướng cải thiện, dù mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Giá vật liệu xây dựng trong năm 2024 đã hạ nhiệt đáng kể so với cùng kỳ, đặc biệt là nhóm cát xây dựng tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung, trong khi giá đất đắp và thép ổn định.

Các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận dựa trên từng gói thầu. Khung pháp lý năm 2024 ghi nhận những thay đổi tích cực với Luật Đầu tư công sửa đổi (có hiệu lực 01/01/2025) và Luật Đầu tư theo phương thức PPP sửa đổi (có hiệu lực 15/01/2025). Những điều chỉnh này nhằm đơn giản hóa quy trình phê duyệt, tăng tốc giải phóng mặt bằng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Thị trường xây dựng dân dụng đang phục hồi nhờ nguồn cung nhà ở thương mại tăng từ 2024, nhờ chính sách thí điểm sử dụng đất, điều chỉnh bảng giá đất và hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp. Nhiều dự án bị đình trệ đã được tái khởi động. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) đến năm 2030 dường như khó đạt được do nhiều trở ngại.
Nguồn vốn ưu đãi từ ngân sách trung ương chưa được bố trí đầy đủ, quỹ đất dành cho NOXH còn hạn chế, thủ tục pháp lý phức tạp và lợi nhuận định mức thấp (10% cho NOXH bán và 15% cho NOXH cho thuê) khiến các nhà đầu tư thiếu động lực. Các nhà thầu xây dựng đang được củng cố về tài chính.
Triển vọng cổ phiếu doanh nghiệp tiêu biểu
Nhìn vào triển vọng cụ thể của một số mã cổ phiếu tiêu biểu, đầu tiên là Vinaconex (VCG) là công ty lớn trong lĩnh vực xây lắp và vật liệu xây dựng, đồng thời đầu tư vào hạ tầng như nhà máy điện, nhà máy nước, và bất động sản. Sau khi thoái vốn nhà nước, VCG mở rộng lĩnh vực bất động sản với dự án Cát Bà Amatina (Hải Phòng) và Khu công nghiệp (KCN) Đông Anh.
Năm 2024, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần 12.874 tỷ đồng (tăng 1,32%) và lợi nhuận thuần 945 tỷ đồng (tăng 134,49%). Biên lợi nhuận cải thiện từ 3% lên 7% nhờ giảm chi phí lãi vay. VCG được hưởng lợi từ đầu tư công và chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án Cát Bà Amatina dự kiến tái khởi động vào 2025 với doanh số 14.000 tỷ đồng. KCN Sơn Đông đã lấp đầy 100%, KCN Đông Anh hoạt động từ cuối 2025, giữ đà tăng trưởng cho cổ phiếu VCG.
Ngoài ra, công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Phương (DPG) được dự báo sẽ đạt đỉnh doanh thu trong mảng xây lắp vào năm 2025, nhờ nghiệm thu các gói thầu từ giai đoạn 2023-2024. Việc tập trung vào các công trình đặc thù như cầu đường giúp DPG hạn chế cạnh tranh về giá và dễ dàng hơn trong quyết toán chi phí.

Dự án Casamia Balanca, với doanh thu kỳ vọng khoảng 4.200 tỷ đồng, cũng được xem là động lực tăng trưởng chính cho cổ phiếu DPG trong giai đoạn 2026-2027. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành xây dựng dân dụng, với doanh thu thuần năm 2024 đạt 11.644 tỷ đồng (tăng 19,01% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 198 tỷ đồng (tăng 45,58%).
Bên cạnh đó, CTD dự kiến ghi nhận doanh thu lớn từ các dự án công nghiệp và hạ tầng trong giai đoạn 2025-2027, đồng thời kỳ vọng sự chuyển biến tích cực từ dự án The Emerald 68, nơi công ty vừa là tổng thầu vừa là nhà đầu tư.
Dự báo kết quả kinh doanh của CTD cho thấy doanh thu năm 2025 đạt 24.531 tỷ đồng (tăng 16,6% so với 2024) và lợi nhuận thuần đạt 531 tỷ đồng (tăng 2,2%), phản ánh tiềm năng tăng trưởng ổn định. Với giá mục tiêu 92.422 VND/cổ phiếu và tiềm năng tăng giá 7,2%, cổ phiếu CTD tiếp tục là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong ngành.
Nhìn chung, cổ phiếu nhóm xây dựng năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng nhờ đầu tư công và phục hồi bất động sản. Doanh nghiệp cần linh hoạt trước thách thức thiếu hụt nguồn lực và cạnh tranh, trong khi chính phủ phải tháo gỡ vướng mắc về vốn và quỹ đất để khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế.
Minh Thư