VN-Index rời mốc 1.320 điểm nhóm chứng khoán ngược dòng cải thiện
Sau năm lần nỗ lực, VN-Index chưa vượt mốc 1.320 điểm. Nhóm chứng khoán bất ngờ hồi phục, bù đắp cho áp lực từ bluechip.
Sau hai phiên giảm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa ngày 28/3/2025 với sắc xanh le lói nhưng nhanh chóng đảo chiều do lực cầu yếu và áp lực bán từ nhóm bluechip. VN-Index trượt dưới mốc tham chiếu từ phiên sáng và tiếp tục giằng co trong phiên chiều. Thiếu lực đỡ, chỉ số không thể giữ vững vùng 1.320 điểm như những lần trước.

VIC chống đỡ nhóm ngân hàng gặp áp lực
Kết thúc phiên chứng khoán giao dịch, VN-Index giảm 6,35 điểm, tương đương 0,48%, chốt ở mức 1.317,46 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Dù vậy, tính từ đầu tháng đến nay, chỉ số vẫn duy trì mức tăng khoảng 12 điểm, cho thấy sự luân chuyển nhịp nhàng giữa các mã lớn đã phần nào hỗ trợ thị trường, giúp biên độ giảm được kiềm chế trong phạm vi hẹp.
Trong phiên chứng khoán chiều, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự phân hóa rõ rệt. Đáng chú ý, VIC của Tập đoàn Vingroup trở thành điểm sáng khi duy trì diễn biến tích cực, đóng cửa tăng 1,6% và đóng góp gần 1 điểm vào chỉ số chung. Nhờ đó, chỉ số VN30 chỉ giảm 6,06 điểm, dù có tới 18 mã giảm và chỉ 6 mã tăng.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán gặp phải áp lực từ nhóm ngân hàng, đặc biệt là VCB, đã kéo VN-Index xuống dưới mốc 1.320 điểm. Dù một số mã giữ sắc xanh, mức tăng khiêm tốn. SHB dẫn đầu thanh khoản với 32,4 triệu đơn vị nhưng chỉ đứng giá tham chiếu 12.700 đồng/cổ phiếu.
Nhóm chứng khoán “quay xe” hồi phục ấn tượng
Trái ngược với sự ảm đạm của nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán bất ngờ tạo điểm nhấn với pha hồi phục mạnh mẽ trong phiên chiều. HCM và VND đồng loạt tăng 1%, SSI đảo chiều tăng nhẹ 0,2%, trong khi FTS ghi nhận mức tăng 1,4%. Đáng chú ý, BSI có thời điểm tiến sát giá trần và kết phiên tăng ấn tượng 4,8%, trở thành tâm điểm của nhóm này.

Đây cũng là nhóm giao dịch sôi động nhất thị trường, với VIX dẫn đầu thanh khoản toàn sàn HOSE khi khớp hơn 34 triệu đơn vị. VND và SSI cũng góp mặt trong top 5 với lần lượt 28 triệu và 17,6 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi HCM đạt 10,8 triệu đơn vị. Về thanh khoản, dòng tiền vẫn chủ yếu đổ vào ba nhóm trụ cột ngân hàng, chứng khoán và thép, dù một vài mã vừa và nhỏ cũng ghi nhận giao dịch đáng chú ý.
Cặp đôi TCH – HHS dù giảm nhiệt so với phiên trước vẫn duy trì sức hút. HHS đóng cửa tăng 4,7% với 13,3 triệu đơn vị, trong khi TCH rung lắc và giảm nhẹ 0,5% với thanh khoản 12,6 triệu đơn vị. Một số mã nhỏ lẻ như FIT, DLG, TSC gây chú ý khi tăng kịch trần, trong đó FIT dư mua trần gần 2,2 triệu đơn vị và thanh khoản bùng nổ với 4,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tổng kết phiên chứng khoán, sàn HOSE ghi nhận 152 mã tăng và 293 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 672,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 16.083,2 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 6,2% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 103 triệu đơn vị, giá trị 2.742,3 tỷ đồng.
Diễn biến trái chiều trên sàn HNX và UpCoM

Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm trong suốt phiên chiều. Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,56%), xuống 238,2 điểm, với 71 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,61 triệu đơn vị, giá trị 914,4 tỷ đồng và nhóm HNX30 giảm gần 3,5 điểm
Các mã bất động sản như IDV và TIG tăng tốt với mức 6,1% và 2,7%, nhưng không đủ bù đắp cho các mã giảm mạnh như CAP (-4,7%), HUT (-3,2%), PVB (-2,8%). Cổ phiếu chứng khoán trên HNX như SHS, MBS giao dịch sôi động nhưng chỉ đứng giá tham chiếu, với SHS dẫn đầu thanh khoản đạt hơn 8 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, giao dịch phân hóa khiến chỉ số đi ngang dưới mốc tham chiếu. UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,35%), xuống 98,62 điểm, với khối lượng khớp lệnh 42,16 triệu đơn vị, giá trị 425 tỷ đồng. BOT nổi bật với sắc tím, đóng cửa tại giá trần 5.900 đồng/cổ phiếu và thanh khoản 2,45 triệu đơn vị. Trong khi đó, BVB dẫn đầu thanh khoản với hơn 3 triệu đơn vị nhưng giảm 1,4%, chốt tại 14.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm. Hợp đồng VN30F2504 giảm mạnh nhất 9,7 điểm (-0,7%), xuống 1.365,1 điểm, với khối lượng khớp lệnh gần 169.860 đơn vị. Trên thị trường chứng quyền, CMBB2405 dẫn đầu thanh khoản với hơn 6 triệu đơn vị nhưng giảm 1,3%, đóng cửa tại 780 đồng/chứng quyền. CVPB2407 và CVHM2501 lần lượt đạt thanh khoản 1,54 triệu và 1,28 triệu đơn vị, với mức tăng 4% và đứng giá tham chiếu.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn