Việt Nam nổi bật với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong khu vực
Với tăng trưởng GDP vượt dự báo và vị thế ngày càng nổi bật trong thương mại, Việt Nam đang khẳng định mình là động lực kinh tế của Đông Nam Á.
Việt Nam – động lực kinh tế của khu vực
Năm 2024 ghi dấu ấn với thành tựu kinh tế vượt bậc, khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt xa dự báo của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức là 6,5%. Đây không chỉ là minh chứng cho nội lực vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam mà còn cho thấy sự bền bỉ trước những biến động toàn cầu.
Quy mô kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 470 tỉ USD, đưa quốc gia này vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lạm phát được duy trì dưới mức 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 800 tỉ USD, với thặng dư thương mại ước tính 2 tỉ USD. Những con số này chứng minh rõ nét rằng Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới thương mại khu vực và toàn cầu.
FDI và hội nhập kinh tế quốc tế
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, Việt Nam thu hút khoảng 40 tỉ USD vốn FDI, trong đó 25 tỉ USD được thực hiện. Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và là thành viên của gần 70 tổ chức quốc tế. Điều này không chỉ mở rộng cánh cửa hợp tác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới.
Theo ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. 75% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ ý định giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Đồng thời, 30% doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế thương mại.
Cơ sở hạ tầng và chính sách thúc đẩy kinh tế
Việt Nam không chỉ nổi bật nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn nhờ những bước tiến trong cải thiện cơ sở hạ tầng. Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, khi hoàn thành, sẽ là cú hích quan trọng, tăng khả năng kết nối giao thông và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Sân bay quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu tại Hải Phòng cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính phủ đã và đang thực hiện các chính sách cải cách hành chính nhằm giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, việc đơn giản hóa quy trình hành chính không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Triển vọng kinh tế năm 2025
Dựa trên những thành tựu đã đạt được, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5–7,0% trong năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh một số rủi ro tiềm ẩn như giải ngân đầu tư công chưa đồng đều, áp lực từ giá hàng hóa và tỷ giá.
Để duy trì đà phát triển, Việt Nam cần tập trung vào các ngành kinh tế chiến lược như công nghiệp xanh, công nghệ vật liệu mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời, việc tiếp tục nâng cao chất lượng lực lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút thêm nguồn vốn FDI chất lượng cao.
Năm 2024, Việt Nam không chỉ ghi nhận những con số ấn tượng mà còn khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực. Với chiến lược phát triển bền vững và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội “cất cánh” trong năm 2025, vươn xa hơn trên bản đồ kinh tế thế giới.
Chí Toàn
Xem thêm tin tại đây