Vì sao tín dụng bứt tốc, tiền gửi ‘hụt hơi’?
(ĐTTCO) – Số liệu công bố gần đây cho thấy, tín dụng đang có những bước tăng bứt phá trở lại trong quý III và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng huy động vốn hiện thấp gần một nửa so với tín dụng.
Huy động vốn chậm chạp
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 24-6, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng 1,5% so với cuối năm 2023. Tốc độ này chưa bằng phân nửa năm ngoái và rất thấp so với nhiều năm trở lại đây. Cùng thời điểm, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Tương ứng, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Những con số này, cộng với báo cáo tài chính quý II-2024 của 30 ngân hàng (NH), cho thấy tốc độ huy động vốn 6 tháng đầu năm ở nhiều nơi còn khó khăn. Cụ thể có 15 NH đạt tốc độ tăng trưởng huy động vốn ít nhất từ 3% trở lên, trong đó đáng chú ý có một số NH tốc độ tăng trưởng huy động vốn 2 con số như LPBank (tăng 18,1%), MSB (17,8%), NCB (10,7%) và Techcombank (10,1%).
Ngược lại, cũng có 15 NH có tốc độ tăng trưởng huy động vốn dưới 3%. Đáng lưu ý trong số này, có đến 6 NH ghi nhận mức sụt giảm so với đầu năm. Cụ thể, ABBank là NH có tỷ lệ sụt giảm lớn nhất với mức giảm 12,9%, kế đến là BVBank (-5,4%), Vietcombank (-1%), SeABank (-0,5%).
Tăng trưởng huy động giảm trong bối cảnh lãi suất liên tục tạo đáy là nguyên nhân khiến cho nhiều NH có sự chênh lệch lớn giữa tăng trưởng cho vay và huy động. Như tại VietinBank tín dụng tăng 6,7% còn huy động tăng chưa tới 4%; Techcombank, tín dụng có mức tăng khoảng 13% còn huy động tăng chưa tới 6%; VPBank với tốc độ tăng tín dụng 11,2% còn huy động tăng 6,6%. Thông tin kết quả kinh doanh quý III đang được một số NH công bố cũng cho thấy huy động vốn đang đi chậm hơn.
Tiền gởi không còn hấp dẫn
Tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng dần hồi phục đã thúc đẩy xu hướng tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Từ đầu quý II, mặt bằng lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng và đến giữa năm, mức lãi suất huy động từ các NH đã tăng khoảng 0,5-1% cho các kỳ hạn khác nhau.
Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Cụ thể, hồi tháng 2, lãi suất huy động của các nhà băng đều về dưới mức 5%/năm. Còn hiện nay, mức lãi đối với các khoản tiền gửi thông thường cao nhất đã lên mức 6,15%/năm tại NCB (áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng). Cũng ở kỳ hạn 18 tháng, DongABank áp dụng lãi suất 6,1%/năm, BaoVietBank, BVBank và SaiGonBank áp dụng lãi suất 6%/năm.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất chưa giúp nhiều cho nguồn vốn chảy vào kênh tiền gửi. Theo đánh giá của VPBankS, huy động tăng thấp so với tín dụng do người dân có xu hướng rút tiền gửi đi mua vàng, bất động sản (BĐS) và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn. Đơn cử 9 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng đã tăng 22,66% so với đầu năm. Cùng lúc, mức vốn hóa thị trường chứng khoán đến ngày 17-9 cũng đã tăng 16,3% so với đầu năm (đạt 6,9 triệu tỷ đồng).
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường BĐS quý III nói riêng và 9 tháng đã phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, dòng tiền cũng đang tìm về kênh này. Tại TPHCM, doanh thu kinh doanh BĐS 9 tháng qua đạt hơn 199.150 tỷ đồng (tăng gần 7%).
Tăng trưởng tín dụng còn nhiều dư địa
Giữa lúc kênh tiền gửi “mất giá”, thì tăng trưởng tín dụng lại liên tục bứt tốc. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến 30-9, tín dụng đã tăng trưởng 9% so với cuối năm 2023. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024 hoàn toàn khả thi. Trong bối cảnh đó, các nhà băng ngày càng hoạt động tấp nập hơn trên kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để cải thiện nguồn vốn đầu vào.
Theo báo cáo của FiinRatings, thị trường TPDN sơ cấp tháng 9 ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 45.300 tỷ đồng, với 39 đợt phát hành, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị phát hành đạt 313.600 tỷ đồng, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, thị trường TP vẫn chưa có sự phục hồi rõ rệt từ nhóm tổ chức phát hành phi tài chính trong thời gian vừa qua. Đa số đợt phát hành trong tháng 9 vẫn thuộc các tổ chức tín dụng, với 37.000 tỷ đồng, chiếm 82,9% tổng giá trị phát hành. Lũy kế 9 tháng, tổ chức tín dụng là chủ thể phát hành đến 74% tổng giá trị TP.
Dù vậy, tình hình chung cho thấy thanh khoản của hệ thống NH vẫn đang trong trạng thái không quá dồi dào. Cuối tháng 9, lãi suất liên NH các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần lần lượt lên 4,44%/năm; 4,4%/năm và 4,26%/năm. Trong bối cảnh đó, NHNN đã bơm ròng hơn 67.359 tỷ đồng trên thị trường mở trong tuần cuối tháng 9 để hạ nhiệt lãi suất liên NH.
Nhìn về cuối năm, giới chuyên gia cho rằng, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của MBS đánh giá, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài NH tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1-0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng. Tuy nhiên, việc cơn bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều DN mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023).
Do đó, đây là yếu tố thúc đẩy các NH tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Chia sẻ với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế, nhận định ngành NH không lo thiếu tiền cho vay cuối năm. Hiện Fed giảm lãi suất có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có chính sách tiền tệ. Cụ thể, việc áp lực tỷ giá đã nhẹ gánh hơn, NHNN có thêm nhiều dư địa để hỗ trợ thanh khoản hệ thống khi cần thiết và giữ mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chí là có thể giảm thêm đối với các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Nguồn:Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính – Cát Tường