Top 10% thu nhập cao ở Mỹ vẫn cảm thấy chưa giàu
Dù kiếm được hơn 300.000 USD mỗi năm, nhiều gia đình Mỹ vẫn phải thuê nhà, vay tiền trả học phí và trì hoãn sửa chữa nhà cửa. Với họ, cuộc sống hiện tại chỉ dừng ở mức “trung lưu bình thường”.

Chi phí đắt đỏ khiến người thu nhập cao khó mua nhà
Tại Mỹ, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến những người có thu nhập cao chỉ đủ trang trải cuộc sống, không đủ để sở hữu nhà. Lauren Fichter (47 tuổi), sống cùng chồng và ba con tại Pennsylvania, sở hữu một căn nhà chính và một căn nghỉ dưỡng cho thuê. Tuy thu nhập gia đình thuộc nhóm cao, họ vẫn phải vay nợ và tìm học bổng để chi trả học phí đại học 75.000 USD/năm cho con trai.
Fichter từng nghỉ làm 15 năm để chăm con, giờ đi làm trở lại trong ngành bán hàng nhưng vẫn khó tiết kiệm. Chi phí sinh hoạt tăng nhanh, như tiền điện 500 USD/tháng, và việc sửa nhà bị hoãn do giá quá cao. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ kiếm được số tiền lớn như vậy, nhưng giờ vẫn chỉ cảm thấy như một gia đình trung lưu bình thường,” Fichter chia sẻ với The Wall Street Journal.
Theo Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng tại Đại học Michigan, dù người thu nhập cao có tiêu chuẩn sống tốt hơn, chi phí nhà ở và giáo dục tăng vọt khiến cảm giác an toàn tài chính ngày càng xa vời.
Thu nhập cao nhưng không thấy giàu

Dù có thu nhập cao, nhiều người Mỹ không cảm thấy tài chính ổn định. Nghiên cứu của Giáo sư Xavier Jaravel (Đại học Kinh tế London) chỉ ra rằng thu nhập của nhóm 5% giàu nhất tăng gấp đôi từ 1983 đến 2019, và họ ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhờ chi tiêu vào các mặt hàng tăng giá chậm như xe hơi hay vé máy bay. Tài sản ròng của nhóm 20% thu nhập cao nhất cũng tăng hơn 35.000 tỷ USD sau đại dịch, nhưng phần lớn nằm ở bất động sản và quỹ hưu trí, khó sử dụng ngay.
Chỉ 26% người kiếm trên 130.000 USD/năm cảm thấy tài chính tốt hơn so với năm trước, mức thấp nhất kể từ khủng hoảng 2009. Những người thu nhập từ 200.000 đến 300.000 USD/năm cũng không hài lòng với tình hình tài chính. Matt Killingsworth, chuyên gia nghiên cứu hạnh phúc tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Ngay cả những người có vẻ thành công vẫn không hài lòng như chúng ta nghĩ.”
Sống giữa những người giàu hơn cũng khiến người thu nhập cao cảm thấy kém khá giả. Tại các khu vực đắt đỏ như California hay New York, lương 250.000 USD/năm vẫn khó mua nhà, đặc biệt khi giá nhà bị đẩy cao bởi những người có tài sản thừa kế hoặc cổ phiếu.
Thu nhập cao vẫn phải thuê nhà

Vợ chồng Shafonne (45 tuổi) và Jimmy Myers (43 tuổi) kiếm 350.000 USD/năm nhưng vẫn thuê nhà ở Temecula, California, với giá 3.600 USD/tháng từ năm 2019. Giá nhà tại đây tăng 57% trong 5 năm, vượt xa mức trung bình cả nước. Nếu mua nhà, họ cần đặt cọc 200.000 USD và trả lãi vay gần 7%, vượt khả năng chi trả. “Chúng tôi sống ổn, ăn uống lành mạnh, nhưng mua nhà vẫn ngoài tầm với,” Shafonne nói. Jimmy bổ sung: “Ở California, phải kiếm 1-2 triệu USD/năm mới được coi là giàu.”
Khu họ sống có trường học tốt, nhưng nhiều hàng xóm có con nhỏ cũng phải thuê nhà. Số liệu cho thấy người thu nhập cao ngày càng khó sở hữu nhà do lãi suất tăng và giá nhà leo thang.
Gánh nặng chi phí giáo dục và sinh hoạt
Ngoài nhà ở, học phí đại học cũng là một gánh nặng. Nhiều gia đình thu nhập cao không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, trong khi số người còn nợ học phí ngày càng tăng. Cuộc sống trung thượng lưu giờ đây đòi hỏi nhiều chi phí hơn, từ lớp học nhạc, thể thao đến dịch vụ giữ trẻ chất lượng cao.
Matt Dougherty (32 tuổi) từng sống ở Washington D.C. nhưng chuyển về Wilmington, Delaware, để dễ mua nhà hơn. Tháng 2/2021, gia đình anh dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để mua căn nhà 160 m² với lãi suất vay 3%. “Tôi cảm giác mình vừa kịp lên chuyến tàu cuối cùng. Giờ đây, tôi không thể mua lại căn nhà đó vì giá nhà và lãi suất tăng quá nhanh,” Dougherty nói.
Tuy nhiên, chi phí ở Wilmington cũng không rẻ. Với thu nhập ròng 11.800 USD/tháng, sau khi trừ tiền vay thế chấp, thực phẩm, chăm sóc hai con nhỏ và các chi phí thiết yếu, gia đình tiêu tốn gần 9.000 USD/tháng. Khi hai con gái ra đời, hóa đơn y tế hàng nghìn USD buộc họ bán bitcoin và cổ phiếu để chi trả. Dougherty chia sẻ: “Thế hệ cha mẹ tôi sẽ nghĩ thu nhập như vậy là giàu. Nhưng tôi chỉ vừa đủ mang đến cho con cái một tuổi thơ trung lưu, an toàn, đầy đủ như tôi từng có.”
Khánh Nhi
Nguồn: Znews