Tại Chỉ thị 29 ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới các giải pháp để tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Ông yêu cầu các bộ ngành có chính sách khuyến khích tiêu dùng, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất trong nước có thế mạnh, thị trường có nhu cầu. Các cơ quan này hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI; tăng kết nối vùng để giảm chi phí, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Các Hiệp hội ngành hàng nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, khó khăn của doanh nghiệp, đề xuất cơ quan chức năng tháo gỡ.
Về phía các tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo Chính phủ đề nghị họ đổi mới, giảm chi phí, giá thành, sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Các bộ ngành, địa phương cùng doanh nghiệp tăng xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, kích cần tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Bộ Công Thương có giải pháp khuyến khích các sàn thương mại điện tử có chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng sản xuất trong nước. Bộ Tài chính tính toán giải pháp kiểm soát hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, đề xuất chính sách thuế thu hút dự án đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Cùng với đó, cơ quan này phải có các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.
Thị trường trong nước được coi là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, việc kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Theo số liệu Bộ Công Thương, nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,7%. Tính chung hai năm qua, chỉ số này chỉ tăng bình quân khoảng 7,2% một năm.