13/01/2025 lúc 15:09

Thị trường chứng khoán “đón sóng” đầu năm

Thị trường chứng khoán tăng 11,93% năm 2024, VN-Index kỳ vọng đạt 1.300 điểm trong tháng 1/2025 với thanh khoản được cải thiện.

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng đạt 1.300 điểm trong tháng 1/2025
Thị trường chứng khoán được kỳ vọng đạt 1.300 điểm trong tháng 1/2025. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Nhìn lại thị trường chứng khoán 2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2024 với nhiều diễn biến nổi bật, đặc biệt là sự tăng trưởng của VN-Index. Theo báo cáo từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS), VN-Index tăng 11,93%, từ 1.136,39 điểm lên 1.266,78 điểm. Phần lớn động lực tăng trưởng đến từ nửa đầu năm khi chỉ số tăng mạnh từ tháng 1 đến tháng 6, trong khi nửa cuối năm chủ yếu đi ngang trong biên độ 1.180-1.300 điểm.

Năm qua, thị trường chứng khoán cũng có sự phân hóa giữa các nhóm vốn hóa rõ rệt. VN30 dẫn đầu với mức tăng trưởng 18,83%, cao hơn hẳn mức 12,56% của năm 2023. Ngược lại, VNMID và VNSML dù tăng lần lượt 9,90% và 5,80%, nhưng lại thấp hơn đáng kể so với mức tăng 32,17% và 28,88% trong năm trước. Điều này cho thấy sự ưu tiên của nhà đầu tư dành cho các cổ phiếu vốn hóa lớn, an toàn hơn.

Dòng vốn trên thị trường chứng khoán năm 2024 ghi nhận sự đảo chiều mạnh mẽ. Khối ngoại bán ròng kỷ lục -90.269 tỷ đồng trên sàn HoSE, gấp 2,5 lần năm 2023, khiến tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm từ 18,42% xuống 16,83%. Ngược lại, nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là cá nhân, mua ròng tăng 196,3% so với năm trước, trong khi các tổ chức trong nước mua ròng 12.504 tỷ đồng, thay vì bán ròng như năm 2023.

Giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trong năm 2024
Giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trong năm 2024. Ảnh: Fireant

Thanh khoản thị trường chứng khoán đạt trung bình 732,24 triệu cổ phiếu/phiên, với giá trị giao dịch 18.843 tỷ đồng/phiên, tăng 21,17% về giá trị nhưng giảm 1,35% về khối lượng so với năm trước. VN30 tiếp tục thu hút dòng tiền khi tăng mạnh cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch, trong khi VNMID và VNSML ghi nhận giảm về khối lượng nhưng lại tăng nhẹ về giá trị, cho thấy sự chuyển hướng của dòng tiền vào các cổ phiếu chất lượng.

Về diễn biến của các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán trong năm 2024, trong đó ngành Công nghệ thông tin (CNTT) dẫn đầu về tăng trưởng chỉ số, gần 90%, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu tăng cao của ngành. Các ngành Bán lẻ, Truyền thông, Du lịch-Giải trí cũng có mức tăng trưởng khá tốt (40-60%). Bên cạnh đó, các ngành hóa chất, bảo hiểm và y tế đạt mức tăng 20-40%. Một số ngành như điện, nước, xăng dầu, thực phẩm và đồ uống chỉ tăng nhẹ hoặc không thay đổi.

Đặc biệt, ngành Truyền thông gây ấn tượng với mức tăng trưởng giá trị khớp lệnh vượt trội gần 500%, bỏ xa các ngành khác. Ngành CNTT cũng cho thấy tiềm năng lớn với mức tăng trưởng hơn 200%. Các ngành khác như Y tế, Hàng cá nhân – gia dụng, Bán lẻ, Ngân hàng, Du lịch-giải trí có mức tăng trưởng từ 50-200%, cho thấy sự phục hồi khả quan.

Kịch bản chứng khoán tháng 1/2025

Báo cáo TPS cho biết tháng 1 thường là giai đoạn tích cực của thị trường chứng khoán, với 10/14 tháng giao dịch từ năm 2011 đến nay có mức tăng trưởng dương, trong đó các năm 2012, 2013, 2014, 2018 và 2023 tăng trên 10%. Tuy nhiên, năm 2025, dự báo mức tăng chỉ dao động từ 1-3%, do tâm lý nghỉ Tết khiến thanh khoản suy giảm.

Ngành bảo hiểm tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực với tổng tài sản tăng 10,88% dù doanh thu năm 2024 giảm nhẹ 0,26%. Sự phát triển ổn định từ bảo hiểm phi nhân thọ và nhu cầu bảo hiểm nhân thọ tăng nhờ khung pháp lý hoàn thiện được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng. Bất động sản cũng khởi sắc đầu năm 2025 nhờ lãi suất vay mua nhà thấp và hỗ trợ pháp lý. Nhiều dự án lớn từ các nhà phát triển như Vinhomes và Đất Xanh dự kiến sẽ ra mắt, tạo cú hích cho thị trường.

Kịch bản dự báo cho chỉ số VN-Index
Kịch bản dự báo cho chỉ số VN-Index. Ảnh: Fireant

VN-Index hiện đang dao động trong vùng 1.180-1.300 điểm. TPS dự báo kịch bản tích cực (40%) sẽ xảy ra nếu chỉ số vượt 1.300 điểm nhờ thanh khoản bùng nổ, đưa VN-Index lên 1.340 điểm. Trong kịch bản trung tính (60%), chỉ số trên thị trường chứng khoán có thể giảm xuống vùng 1.240 điểm và rủi ro giảm tiếp về 1.180 điểm nếu thanh khoản không được cải thiện.

Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể về các cổ phiếu tiềm năng dựa trên tín hiệu phân tích kỹ thuật, bao gồm BVH (Tập đoàn Bảo Việt) và NLG (CTCP Đầu tư Nam Long). Đầu tiên là cổ phiếu BVH đang trải qua quá trình điều chỉnh mạnh sau mức tăng ấn tượng vào cuối tháng 11/2024. Xuất hiện hai nến có râu dài cho thấy áp lực bán gia tăng khi giá cổ phiếu tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo cổ phiếu này có tiềm năng hồi phục và tiếp tục tăng trưởng trên thị trường chứng khoán sau khi điều chỉnh.

Về phân tích kỹ thuật, chỉ báo RSI cho thấy cổ phiếu đã chạm vùng quá bán, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy đà giảm đã dừng lại. Chỉ báo MACD cũng ghi nhận tác động tiêu cực từ phiên 24/12, khi hai đường MACD giao cắt và histogram vẫn nằm sâu trong vùng đỏ, cho thấy xu hướng giảm vẫn chưa suy yếu. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu mua khi đà giảm của BVH bắt đầu suy yếu.

Cổ phiếu NLG đã duy trì xu hướng giảm từ tháng 6/2024 cho đến nay, nhưng hiện tại có dấu hiệu tích cực khi giá tiệm cận đường hỗ trợ tại vùng 36,000 đồng. Xu hướng giảm đang có dấu hiệu yếu dần trong khi thanh khoản cải thiện.

Phân tích kỹ thuật cho thấy các chỉ báo của NLG hiện nằm gần vùng quá bán, với RSI và MACD đều có dấu hiệu ổn định và bắt đầu hồi phục lên trên mức 0 chỉ báo RSI đang tiến về vùng 50. Thực tế này có thể mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cổ phiếu NLG trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Minh Thư

Xem thêm tin: Tại đây