Sau 10 năm gắn bó, Techcombank và Manulife Việt Nam chính thức ngừng hợp tác bancassurance, mở ra nhiều câu hỏi về tương lai của kênh phân phối bảo hiểm này.
Kể từ ngày 14/10/2024, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) sẽ không còn phân phối sản phẩm bảo hiểm của Manulife Việt Nam. Thông tin này được chính Techcombank công bố, đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác chiến lược kéo dài một thập kỷ giữa hai bên, một mối quan hệ đã từng được coi là biểu tượng cho sự kết hợp hiệu quả giữa lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.
Tác động lên hiệu quả kinh doanh của Techcombank?
Việc “đường ai nấy đi” này ngay lập tức đặt ra câu hỏi về tác động lên hiệu quả kinh doanh của Techcombank. Liệu sự vắng mặt của Manulife – một đối tác lớn trong mảng bancassurance, có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của ngân hàng?
Theo phân tích của Chứng khoán Vietcap, trong ngắn hạn Techcombank có thể phải đối mặt với một số chi phí phát sinh liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, cùng như sự sụt giảm doanh thu từ phí bảo hiểm do chưa tìm được đối tác thay thế. Tuy nhiên, về dài hạn, Vietcap cho rằng tác động này sẽ không quá lớn, và Techcombank hoàn toàn có thể bù đắp bằng việc ký kết hợp đồng độc quyền với một đối tác bảo hiểm khác.
Thực tế, doanh thu từ phí bảo hiểm chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập của Techcombank. Cụ thể, năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm của Techcombank chỉ đạt hơn 667 tỷ đồng, giảm mạnh 62% so với năm 2022, một phần do bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường. Con số này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đến 2% trong tổng thu nhập hoạt động 40.100 tỷ đồng của ngân hàng.
Xu hướng này tiếp tục được ghi nhận trong nửa đầu năm 2024, với thu nhập từ phí bảo hiểm đạt 385 tỷ đồng, tương đương 6,6% thu nhập từ dịch vụ và 1,5% tổng thu nhập hoạt động (25.681 tỷ đồng). Nhìn vào bức tranh tổng thể, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của Techcombank vẫn rất tích cực, với lợi nhuận trước thuế đạt 15.628 tỷ đồng (tăng 38,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 12.547 tỷ đồng (tăng 38,8%), hoàn thành 57,7% kế hoạch năm.
Điều này cho thấy, mặc dù mảng bancassurance đóng góp vào doanh thu, nhưng không phải là yếu tố quyết định đến sự thành bại của Techcombank.
Bancassurance hết thời hoàng kim?
Mối lương duyên giữa Techcombank và Manulife từng được xem là hình mẫu hợp tác bancassurance lý tưởng, tận dụng thế mạnh của cả hai bên: ngân hàng với mạng lưới khách hàng rộng khắp và công ty bảo hiểm với danh mục sản phẩm tài chính đa dạng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mô hình bancassurance độc quyền đang dần đánh mất vị thế.
Việc Techcombank và Manulife “chia tay” không phải là trường hợp cá biệt. Gần đây, thị trường cũng chứng kiến nhiều cuộc “chia ly” tương tự giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự kết thúc của các hợp đồng độc quyền, những thay đổi trong chính sách và quy định pháp luật, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Và không thể không kể đến những vấn đề liên quan đến tính minh bạch và lợi ích của khách hàng trong một số sản phẩm bancassurance.
Về phía Manulife Việt Nam, mặc dù lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024 giảm 12,6% so với cùng kỳ, đạt 2.127 tỷ đồng, Manulife vẫn giữ vững vị thế là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu thị trường về lợi nhuận, vượt qua các tên tuổi lớn như Prudential, Dai-ichi Life và Bảo Việt Nhân thọ. Kết quả khả quan này đến từ khoản lãi đột biến trong mảng kinh doanh tài chính. Manulife hiện là doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ cao nhất và sở hữu quy mô tài sản lớn thứ ba trong ngành bảo hiểm Việt Nam.
Sự kiện Techcombank và Manulife dừng hợp tác đặt ra nhiều dấu hỏi về tương lai của mô hình bancassurance tại Việt Nam. Liệu các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm đối tác mới, hay sẽ tự xây dựng và phát triển kênh phân phối bảo hiểm riêng? Và liệu mô hình bancassurance có cần phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới?
Chí Toàn
Nguồn tham khảo: Tạp chí Công Thương