25/02/2025 lúc 13:57

Sống chung với ô nhiễm, khi nào “trời xanh” trở lại với đô thị Việt

Ô nhiễm không khí và tiếng ồn đang trở thành “ác mộng” đe dọa sức khỏe, kinh tế đô thị Việt Nam. Liệu có “liệu pháp” nào để “đổi vận”?

o-nhiem-tieng-on
Ô nhiễm tiếng ồn đang gây ra những vấn đề lên sức khỏe của con người. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư

Ô nhiễm không khí và tiếng ồn không còn là vấn đề riêng của các nước phát triển mà đã trở thành một “vấn nạn” toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng tại các đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư và hoạt động kinh tế sôi động.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, khi Hà Nội và TP.HCM thường xuyên “góp mặt” trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, gây ra những hệ lụy khó lường về sức khỏe cộng đồng và tăng gánh nặng lên nền kinh tế.

“Ác mộng” ô nhiễm, gánh nặng kinh tế – sức khỏe đè lên đô thị

Nếu một du khách lần đầu đặt chân đến Đức sẽ ngạc nhiên khi biết đến khái niệm “ruhezeit” (thời gian im lặng), khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, áp dụng từ thứ Hai đến thứ Bảy, và cả ngày Chủ nhật, ngày lễ. Trong thời gian này, mọi tiếng ồn từ bên trong căn nhà không được phép lọt ra ngoài. Đây là một ví dụ điển hình về cách các quốc gia phát triển đối phó với vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài có thể dẫn tới 12.000 ca chết yểu và 48.000 ca mắc bệnh tim mới mỗi năm. Tạp chí Harvard Medical School cũng thống kê, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới giấc ngủ của khoảng 6,5 triệu cư dân châu Âu hằng năm, gây ra các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường tuýp 2, căng thẳng, các bệnh thần kinh… Ước tính, châu Âu thiệt hại khoảng 40 tỷ EUR mỗi năm do ô nhiễm tiếng ồn.

Tuy nhiên, ô nhiễm không khí mới là “ác mộng” lớn hơn. EEA cho biết, bụi mịn (PM2.5), nitơ dioxit (NO2) và ozone tầng mặt đất là những tác nhân gây hại nhất. Năm 2019, khoảng 307.000 ca chết yểu ở các nước thành viên EU được cho là liên quan tới PM2.5.

Bụi mịn, có nguồn gốc từ bụi, đất, bồ hóng và khói đốt nhiên liệu, gây ra hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng như hen, ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ… Ước tính, “lục địa già” thiệt hại khoảng 600 tỷ EUR mỗi năm do bụi mịn và ô nhiễm tầng ozone.

o-nhiem-tieng-on
Tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài có thể dẫn tới mắc bệnh tim. Ảnh: Internet

Việt Nam cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” ô nhiễm. Vào tháng 1/2025, Hà Nội và TP.HCM liên tục nằm trong top đầu các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của IQAir. Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ước tính, ô nhiễm không khí làm Việt Nam mất hơn 13 tỷ USD/năm, tương đương 2,72% GDP trong năm 2024.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, ô nhiễm không khí gây ra ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm, tương đương cứ 7,5 giây lại có 1 người Việt Nam tử vong vì bệnh liên quan tới hô hấp do ô nhiễm. Về ô nhiễm tiếng ồn, TP.HCM xếp thứ 4 trong số các thành phố ồn ào nhất thế giới theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 2022.

Đập đi xây lại Lời giải gây “ngộp thở” cho đô thị

Để giải quyết “ác mộng” ô nhiễm, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Hoàng Yến, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết ô nhiễm không khí gây ra nhiều bệnh lý về tai – mũi – họng, đặc biệt là viêm tai giữa và giảm thính lực, khiến bệnh nhân ngày càng trẻ hóa.

Bà Sue Le, Giám đốc Điều hành Red Communications, đề xuất 3 giải pháp cho ô nhiễm tiếng ồn: khuyến khích sử dụng xe điện, quy hoạch khu vực “không còi” và trồng cây xanh cách âm. Đối với ô nhiễm không khí, bà Le gợi ý: xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch và tăng cường trồng cây xanh đô thị.

Thành công của chiến dịch “Bầu trời xanh” tại Bắc Kinh (Trung Quốc), giúp giảm 35% nồng độ PM2.5 trong 5 năm, là một bài học quý giá cho Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, Thạc sĩ Vũ Bích Phượng, nhà tâm lý học tại Đại học RMIT Việt Nam, chỉ ra rằng người Việt đang phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân, một tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm.

Bà Phượng cho rằng, chúng ta có thể “đập đi xây lại” hành vi thông qua các cơ chế tương tự để thúc đẩy thói quen mới. Cung cấp phần thưởng cho những hành động cần khuyến khích (như nhận ưu đãi khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng) có thể củng cố thói quen mới. Ngược lại, hình phạt hoặc biện pháp ngăn chặn (như thu phí phương tiện cá nhân hoặc phí đỗ xe cao hơn…) có thể ngăn chặn những hành vi không mong muốn.

Để “trời xanh” trở lại với đô thị Việt, cần có sự chung tay của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Cần có những chính sách mạnh mẽ để khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và năng lượng sạch, đồng thời nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Bảo Long

Nguồn tham khảo: Nhịp cầu đầu tư