01/04/2025 lúc 17:48

Room ngoại và giấc mơ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt trong tương lai

Việc nới room ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, cần được xem xét để thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Room ngoại và giấc mơ nâng hạng thị trường chứng khoán - 60s hôm nay
Room ngoại và giấc mơ nâng hạng thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa

Rào cản sở hữu nước ngoài và áp lực nâng hạng

Tại Hội nghị quỹ đầu tư tổ chức ở TP.HCM, ông Đỗ Minh – Giám đốc quốc gia Quỹ Warburg Pincus – kiến nghị Việt Nam cần nới trần sở hữu nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, để tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại một ngân hàng thương mại Việt Nam là 30%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Ấn Độ (74%), Indonesia (99%) hay Thái Lan và Singapore (không giới hạn). Theo ông Minh, ngành ngân hàng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh, và việc nâng trần sở hữu ngoại lên 50% sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn, đồng thời thu hút dòng vốn quốc tế.

“Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ lo ngại việc các ngân hàng nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối có thể ảnh hưởng đến chủ quyền kinh tế. Tuy nhiên, điều này ít ảnh hưởng hơn nếu áp dụng cho các nhà đầu tư tài chính như quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, cần tăng giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các nhà đầu tư chiến lược và tài chính,” ông Minh đề xuất.

Tương tự, ông Albert Kwang-Chin Ting, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cũng đề xuất nâng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 65% ở một số ngành để thu hút thêm vốn đầu tư. Ông cho biết, nhiều quỹ lớn với số vốn trên 500 triệu USD tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) gặp khó khăn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam do hạn chế room ngoại.

Thực tế, việc nới lỏng room ngoại không phải là một đề xuất mới. Trong nhiều năm qua, các tổ chức như MSCI và FTSE đã khuyến nghị Việt Nam mở rộng giới hạn này để đáp ứng tiêu chí nâng hạng. Hiện tại, nhiều ngành bao gồm ngân hàng, vẫn bị giới hạn sở hữu nước ngoài từ 0% đến 51%, khiến cơ hội đầu tư bị thu hẹp.

Dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến ngày 28/3, có 13/27 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ sở hữu ngoại trên 15%. Trong đó, ACB, MBB, TCB và VIB đã kín room ngoại. Tại nhóm ngân hàng Big4, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại VCB là 22,7%, CTG là 26,76%, trong khi BID còn dư địa ở mức 17,62%.

Không chỉ ngành ngân hàng, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành khác cũng có room ngoại hạn chế. Ví dụ, FPT chỉ còn 6,5% room trống, MWG còn 3,2%, PNJ chỉ còn 0,5%. Những giới hạn này khiến nhà đầu tư ngoại gặp khó khăn trong việc mở rộng danh mục, làm giảm sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những giải pháp tháo gỡ

Theo bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giới hạn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam được thiết lập dựa trên cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề không trọng yếu vẫn bị hạn chế sở hữu ngoại không cần thiết. Vì vậy, Ủy ban đã kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đề xuất nới lỏng quy định với các ngành không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hoặc vi phạm cam kết quốc tế.

bà Vũ Thị Chân Phương là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - 60s hôm nay
bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Báo Doanh nhân Việt Nam

“Trước đây, các công ty dược có ngành nghề phân phối, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 0%. Chúng tôi đã đề nghị chuyển sang một công ty con để phân phối được, từ đó nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết,” bà Phương dẫn chứng. Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – cho biết Nghị định 69/2025/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định về room ngoại. 

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 50% vốn tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại, trần sở hữu ngoại vẫn giữ ở mức 30%, nhưng có ngoại lệ các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém có thể nâng trần lên 49%.

“Vừa qua, có 4 ngân hàng thương mại đã nhận chuyển giao bắt buộc là Vietcombank, VPBank, HDBank và MBBank; trong đó, Vietcombank là ngân hàng thương mại có vốn sở hữu nhà nước trên 50% nên không thuộc đối tượng được phép nâng room lên 49%. Các ngân hàng còn lại sẽ tùy theo phương án chuyển giao bắt buộc có thể được nâng trần room ngoại lên mức 49%, thay vì 30% như hiện nay,” ông Quang cho biết.

Ngoài ra, Nghị định 69 còn trao quyền cho Thủ tướng quyết định mức sở hữu ngoại trong một số trường hợp đặc biệt, nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/5/2025, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào ngành ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh việc nới lỏng room ngoại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm tài chính mới để khắc phục hạn chế hiện tại. Một trong số đó là ETF Single Stock – quỹ hoán đổi danh mục dành cho cổ phiếu đơn lẻ. Công cụ này sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp sở hữu cổ phiếu bị giới hạn room, đồng thời tăng thanh khoản cho thị trường.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Báo Doanh nhân Việt Nam