Rộn ràng không khí đón Halloween tại Hà Nội
Từ những ngày giữa tháng 10, nhiều cửa hàng trên các con phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Ngang, Hàng Đào đã bắt đầu trưng bày những món đồ trang trí rực rỡ và kỳ quái. Đèn lồng bí ngô phát sáng, những chiếc mặt nạ ma quái và những bộ đồ hóa trang phong cách Gothic hay giả quái vật đủ màu sắc nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân và du khách.
Bắt nguồn từ phương Tây, lễ hội Halloween – một sự kiện gắn liền với những chiếc đèn bí ngô, các bộ trang phục hóa trang và trò chơi “trick or treat” – đã dần trở thành một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa người Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ. Tuy là lễ hội của Kitô giáo nhưng những năm gần đây, Halloween vẫn nhận được sự đón nhận từ giới trẻ Việt. Các bạn trẻ thích thú nó với nhiều lý do yêu thích sự náo nhiệt các lễ hội phương Tây, nhưng nhiều bạn lại chỉ đơn giản coi đây là dịp để tụ tập, vui đùa cùng bạn bè.
Ở Hà Nội, lễ hội này đã có sự hòa nhập nhất định, không chỉ các bạn trẻ mà ngay cả những gia đình có con nhỏ cũng đã tham gia vào không khí rộn ràng Halloween. Không có quá nhiều những màn hóa trang quá mức, hay những trò chơi “trick or treat” phổ biến như ở phương Tây, Halloween tại Hà Nội được “Việt hóa” để trở nên nhẹ nhàng, tinh tế hơn. Nhiều gia đình chọn cách trang trí nhà cửa đơn giản, mua những món đồ trang trí Halloween về nhà để trẻ em cùng tham gia. Những hoạt động này tạo ra không khí lễ hội nhưng vẫn giữ được sự thanh lịch, tinh tế của văn hóa người Hà Nội.
Chị Minh Phương, một người dân sinh sống tại phố cổ chia sẻ, trước đây, gia đình tôi không thực sự chú ý đến Halloween. Nhưng bây giờ, khi thấy các con háo hức và bạn bè chúng cũng tham gia rất đông, tôi cũng bắt đầu mua những bộ trang phục hóa trang cho con và cả nhà cùng nhau tham gia ngày lễ, cũng là dịp gia đình quây quần bên nhau.
Những gia đình như chị Phương không phải là hiếm tại Hà Nội. Nhiều người dân đã chào đón Halloween không chỉ như một dịp vui chơi, mà còn là cơ hội để gắn kết gia đình và bạn bè. Hình ảnh trẻ em trong những bộ trang phục siêu anh hùng, quái vật hay công chúa tay cầm đèn lồng, cười đùa, chạy nhảy trên phố tạo nên một không gian vừa rộn ràng vừa ấm cúng giữa những con phố nhỏ Hà Nội.
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, từ những ngày giữa tháng 10, nhiều cửa hàng trên các con phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Ngang, Hàng Đào đã bắt đầu trưng bày những món đồ trang trí rực rỡ và kỳ quái. Đèn lồng bí ngô phát sáng, những chiếc mặt nạ ma quái và những bộ đồ hóa trang phong cách Gothic hay giả quái vật đủ màu sắc nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân và du khách.
Về giá sản phẩm, đồ hóa trang Halloween năm nay có nhỉnh hơn chút so với mặt bằng giá năm trước, tuy nhiên không quá cách biệt. Các loại tóc giả, mặt nạ quỷ bằng nhựa có giá từ 20.000 – 50.000 đồng/chiếc, mặt nạ cao su thì cao hơn, từ 60.000 – 80.000 đồng/chiếc, quần áo hóa trang từ 140.000 – 250.000 đồng/bộ tùy bộ. Ngoài ra cũng có cả những mặt hàng giá lên tới hàng triệu đồng với chất lượng tốt hơn, như đầu lâu Halloween khổng lồ, bộ xương cao hay đứa bé ma có giá dao động từ trên 2.000.000 đồng, đủ đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng.
Halloween hiện không chỉ là lễ hội của giới trẻ hay gia đình, mà còn trở thành một hiện tượng văn hóa được các doanh nghiệp, nhà hàng, quán cà phê trên phố cổ khai thác hiệu quả để thu hút cả những vị khách trong và ngoài nước. Nhiều cửa hàng đã trang trí không gian theo chủ đề Halloween, từ những tấm mạng nhện giăng ngang, tượng đầu lâu, đến những hình ảnh ma quái đầy sáng tạo. Các quán cà phê, nhà hàng còn thiết kế thực đơn đặc biệt cho dịp này với những món ăn, thức uống mang phong cách Halloween như bánh ngọt hình ma, nước uống có màu sắc kỳ lạ.
Anh Tuấn, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã, chia sẻ, Halloween là cơ hội để cửa hàng thu hút khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy vậy, trong khâu trang trí anh luôn cố gắng giữ cho cửa hàng không chỉ mang đậm không khí lễ hội này mà còn giữ được nét riêng của phố cổ Hà Nội. “Dù đón nhận những trào lưu văn hóa mới, anh vẫn muốn sản phẩm của mình gắn liền với nét văn hóa truyền thống Việt Nam”, anh Tuấn cho biết thêm.
Quan điểm của anh Tuấn cũng chính là câu chuyện chung của nhiều người dân và doanh nghiệp tại Hà Nội khi phải đối mặt với sự giao thoa văn hóa từ bên ngoài. Họ chào đón, tiếp nhận những nét mới lạ, hấp dẫn từ các nền văn hóa khác nhưng vẫn cố gắng giữ gìn và bảo tồn bản sắc riêng của dân tộc.
Nguồn: Thời báo ngân hàng – Thúy Hằng