Sự hỗ trợ từ nhóm vốn hóa lớn giúp thị trường chứng khoán giảm nhẹ
Phiên giao dịch ngày hôm nay diễn biến giằng co khi thị trường chứng khoán mở cửa trong trạng thái thận trọng, dòng tiền phân hóa rõ rệt.
Trong phiên 19/3, VN-Index chịu áp lực bán ngay từ đầu nhưng dòng tiền bắt đáy giúp hạn chế đà giảm. Lực bán mạnh vào chiều khiến chỉ số suýt mất mốc 1.320 điểm, song tâm lý lạc quan đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm cuối phiên.

Áp lực gia tăng VN-Index lùi về 1,318 điểm
Trong phiên giao dịch chứng khoán sáng 20/3, VN-Index hồi phục ngay sau khi mở cửa nhưng nhanh chóng lùi xuống dưới tham chiếu do lực bán tăng mạnh. Tình hình trở nên tiêu cực, nhất là trong nhóm VN30, nổi bật là TPB mất hơn 4% và ORS giảm sàn xuống 12.300 đồng. TPB dẫn đầu thanh khoản với gần 42 triệu đơn vị giao dịch, trong khi ORS đứng thứ ba với gần 18 triệu đơn vị.
Nửa cuối phiên sáng thị trường chứng khoán duy trì sắc đỏ trong phiên chiều khi nhiều bluechip giảm điểm, nhưng áp lực bán hạ nhiệt cuối phiên. Nhà đầu tư thận trọng, chờ tín hiệu từ phiên đáo hạn phái sinh sắp tới. Chốt phiên giao dịch buổi sáng, sàn HOSE ghi nhận 103 mã tăng và 336 mã giảm.
VN-Index giảm 6,55 điểm (-0,49%), xuống còn 1.318,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 521,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị 10.325,2 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên chứng khoán sáng hôm trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 49 triệu đơn vị, với giá trị 634,2 tỷ đồng.
Mặc dù một số cổ phiếu ghi nhận sắc xanh, nhưng nhóm bluechip lại là lực cản lớn nhất đối với chỉ số. Cổ phiếu TPB giảm 5% xuống còn 15.200 đồng, trở thành mã khớp lệnh cao nhất nhóm với hơn 64,8 triệu đơn vị. Theo sau là BCM giảm 2,7% xuống còn 78.200 đồng, trong khi GVR, PLX, CTG, VJC, và VNM cũng ghi nhận mức giảm từ 1% đến 1,4%.

Tại sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp bật tăng đầu phiên đã hạ nhiệt và lùi về dưới tham chiếu ở những phút cuối. Kết thúc phiên chứng khoán, HNX có 48 mã tăng và 91 mã giảm, với HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,09%), xuống còn 245,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,2 triệu đơn vị, giá trị 656,4 tỷ đồng. Trên thị trường UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã lùi về mức giảm, chốt phiên ở 98,97 điểm, giảm 0,39 điểm (-0,39%). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,7 triệu đơn vị, giá trị 192,3 tỷ đồng. Hầu hết các cổ phiếu có thanh khoản cao đều ghi nhận xu hướng giảm điểm.
Hồi phục phần nào nhờ cổ phiếu blue-chips
Tiếp nối đà giảm điểm xuất hiện từ phiên sáng nhưng không quá mạnh. Bước sang phiên chứng khoán chiều, sự cân bằng dần trở lại, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechip, khi một số mã ngân hàng đảo chiều tăng. VN-Index trong phiên chiều có hai nhịp tiệm cận tham chiếu, nhưng áp lực từ phiên đáo hạn phái sinh khiến chỉ số không thể giữ sắc xanh đến cuối phiên.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,70 điểm (-0,05%) xuống còn 1.323,93 điểm. Trên sàn HOSE, toàn thị trường chứng khoán có 192 mã tăng và 285 mã giảm. Thanh khoản suy giảm nhẹ so với phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 918,9 triệu đơn vị, giá trị 19.674,6 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 16% về giá trị.
Trong nhóm VN30, thị trường chứng khoán có sự phân hóa khi 12 mã tăng, 15 mã giảm, còn BID, SSI và VHM đứng tham chiếu. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư khi nhiều mã hồi phục nhẹ. Các cổ phiếu như CTG, ACB, VCB, TCB, SHB tăng từ 0,2% đến 0,9%, trong khi STB và MBB có mức tăng lần lượt 1,3% và 1,7%. SHB tiếp tục gây chú ý khi khối lượng giao dịch đạt gần 80 triệu đơn vị. Tuy nhiên, TPB lại trở thành điểm trừ khi giảm sâu 5,3% xuống 15.150 đồng, với thanh khoản kỷ lục gần 81 triệu đơn vị.
Ngoài TPB, các cổ phiếu giảm mạnh khác có LPB, BCM, VJC với mức giảm từ 1,1% đến 1,6%. Ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đa số cổ phiếu giao dịch trầm lắng, ngoại trừ một số mã như DLG tăng trần lên 2.120 đồng (+6,5%) và DTA tăng 6,9% lên 5.440 đồng. GEX cũng bật tăng 4,6% lên 23.800 đồng, với khối lượng khớp lệnh hơn 17,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng nhẹ nhờ lực mua quay trở lại vào cuối phiên. Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,20%) lên 245,77 điểm. Thanh khoản đạt gần 66 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 1.051 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trên HNX hồi phục, nhưng mức tăng chủ yếu dưới 1%, gồm BVS, VTZ, VFS, MBS, CEO và SHS. Một số mã có mức tăng mạnh hơn như MST, TIG, EVS, VIG, GKM với biên độ từ 3% đến hơn 4%. Riêng SHS có thanh khoản cao nhất sàn, đạt hơn 16,3 triệu đơn vị. NVB tiếp tục là điểm sáng khi tăng trần 9,6% lên 12.600 đồng, khớp hơn 2,37 triệu đơn vị.
Trong khi đó, UpCoM-Index chịu áp lực điều chỉnh và chưa thể chạm tham chiếu vào cuối phiên chứng khoán. Chốt phiên, chỉ số này giảm 0,2 điểm (-0,20%) xuống còn 99,16 điểm, với thanh khoản đạt hơn 40,8 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 470,4 tỷ đồng. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2503 đáo hạn giảm nhẹ 0,5 điểm xuống 1.376,5 điểm, với khối lượng khớp hơn 168.700 đơn vị. Trong khi đó, giao dịch chứng quyền diễn ra trầm lắng, ngoại trừ CMBB2405 tăng mạnh 11,8% lên 850 đồng/cq, khớp gần 2,4 triệu đơn vị.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn