10/10/2024 lúc 14:05

Ngân hàng tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp sau bão

ngan-hang-tiep-suc-cho-nguoi-dan-sau-bao
Gần 1 tháng sau mưa lũ, Nhà máy Thủy điện Nậm Lức (Lào Cai) vẫn chưa khôi phục được hoạt động

(ĐTCK) Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại vào cuộc hỗ trợ khách hàng tái thiết cuộc sống, sản xuất – kinh doanh sau bão lũ.

Nhiều thiệt hại chưa đo đếm hết được

Ngày 24/9/2024, tức 17 ngày sau cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào vùng biển phía Đông Bắc, chúng tôi có chuyến công tác lên Lào Cai, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ – do hoàn lưu bão gây ra. Ông Phạm Quang Huy, Phó giám đốc SHB Chi nhánh Lào Cai chỉ cho đoàn công tác những tuyến phố trung tâm của TP. Lào Cai ngập sâu trong những ngày mưa lũ, nhiều quả đồi ngấm nước nặng bị sạt lở và dù hết mưa nhưng nguy cơ sạt lở vẫn còn.

“Thành phố không có thiệt hại về con người nhưng thiệt hại về vật chất khá lớn”, ông Huy cho biết.

Phố Tùng Tung, tổ 12, phường Nam Cường, TP. Lào Cai là một trong những tuyến phố bị ngập sâu và bị tàn phá nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua. 53 ngôi nhà trên tuyến phố này bị lún nứt và đổ sập, trong đó có nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của Công ty TNHH một thành viên Văn Tịnh.

Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Giám đốc Công ty, tổng thiệt hại của Công ty do thiên tai ước tính hàng tỷ đồng, riêng thiệt hại các thiết bị bên trong nhà xưởng là hơn 500 triệu đồng. Nhiều công trình khác của doanh nghiệp này đang thi công cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và sạt lở đất.

“Thiệt hại của Công ty không chỉ là nhà xưởng và các thiết bị, vật liệu trong đó, mà còn liên đới ảnh hưởng tới các công trình khác rất lớn. Chúng tôi đã ra văn bản gửi các chủ đầu tư dự án Công ty đang thi công để tìm phương án khắc phục việc cung cấp thiết bị và đang chờ các chủ đầu tư cho ý kiến”, ông Tịnh cho biết.

Đợt mưa lũ vừa qua, Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu nhà điều hành đã bị đất lở san bằng khiến 5 cán bộ, nhân viên thiệt mạng. Ngoài ra, nước sông lên cao làm toàn bộ Nhà máy bị ngập nước, không vận hành được. Đường giao thông vào Nhà máy cũng bị sạt lở, bị cô lập hoàn toàn.

Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành tạm thời Nhà máy Thủy điện Nậm kể, nửa tháng sau lũ lụt, chỉ có xe nhỏ hoặc xe công trình mới vào được Nhà máy do chính quyền đã san đường nhưng nguy cơ sạt lở vẫn tiềm ẩn. Đến nay, nhà máy thủy điện này vẫn chưa thể vận hành do chưa có điện để bơm nước, bùn ra để giải phóng mặt bằng.

“Ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng của chúng tôi lên tới hơn 100 tỷ đồng. Đó là chưa kể thiệt hại doanh thu trong thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy”, ông Tất Anh cho biết.

Nếu như thời điểm 15/9/2024, ước tính thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vào khoảng 40.000 tỷ đồng thì tới cuối tháng 9, với những diễn biến phức tạp của mưa lũ tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, con số thiệt hại được cập nhật lên tới trên 81.000 tỷ đồng (tương đương hơn 3 tỷ USD). Con số này có thể chưa dừng lại bởi nhiều nhà xưởng, kho bãi, hạ tầng điện bị tàn phá, chưa thể khôi phục hoạt động. Theo đó, nhiều tổ chức kinh tế nhận định, đà tăng trưởng GDP vượt trội trong quý II/2024 (6,93%) khó có thể duy trì trong nửa cuối năm 2024.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam.

“Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2024 chậm lại ở mức 5,7%, giảm so với mức 6,0% trước đó và quý IV/2024 là 5,2%, giảm so với mức 5,4%. Dự báo tăng trưởng cả năm của chúng tôi cho năm 2024 được hạ xuống còn 5,9%, giảm 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%”, ông Suan Teck Kin nói.

Mặc dù con số dự báo tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm có giảm so với các dự báo đưa ra trước đó nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng khoảng 0,2% điểm phần trăm, lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết cuộc sống để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% của Chính phủ, cao hơn mục tiêu 6 – 6,5% do Quốc hội đề ra vào cuối năm 2023.

Đảm bảo mạch tài chính của doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Sỹ, Giám đốc SHB Chi nhánh Lào Cai cho biết, bão Yagi và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp, trong đó có khách hàng của SHB. Sau khi cơn bão qua đi, SHB Lào Cai đã tổ chức các đội cán bộ tới thăm hỏi, nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng (cá nhân và doanh nghiệp) và báo cáo ngay lên lãnh đạo Hội sở.

Cùng với lời kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết sau bão lũ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, SHB khẩn trương ban hành chương trình hỗ trợ, tiếp sức các hộ dân, doanh nghiệp và khách hàng. Thứ nhất, SHB hỗ trợ hỗ trợ bình quân 50% lãi suất phải trả cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trong thời gian từ ngày 1/9/2024 đến tháng 31/12/2024. Đặc biệt, với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, Ngân hàng có thể hỗ trợ 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm. Thứ hai, SHB ban hành chương trình ưu đãi lãi suất 4,5%/năm với khoản vay mới cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chịu thiệt hại sau thiên tai.

Từ tháng 9 đến nay, thực hiện các chương trình hỗ trợ khách hàng mà Hội sở SHB đã ban hành, theo ông Sỹ, gần 10 tỷ đồng đã được SHB Lào Cai miễn giảm cho khách hàng. Bên cạnh đó, SHB còn cơ cấu lại khoản nợ phù hợp với tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, người dân, giúp khách hàng dần ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Giám đốc điều hành tạm thời Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc xác nhận: “SHB đã giảm 50% lãi cho chúng tôi từ nay đến cuối năm, với ước tính trên 10 tỷ đồng và ngay trong tháng 9 này đã giảm 5 tỷ đồng”.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt nhiều địa phương tại các tỉnh miền núi phía Bắc, vốn gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng kinh tế, nhưng quá trình tái thiết sau bão lũ sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các địa phương này.

“Tái thiết và tái thiết tốt hơn nữa là động lực mới có thể tạo ra cơ hội tăng trưởng, phát triển tốt hơn cho những địa phương này. Trong ngắn hạn, khả năng huy động nguồn lực nhanh nhất là ngân sách nhà nước. Về dài hạn, Chính phủ cần phát triển các thị trường liên quan tốt hơn như bảo hiểm. Đối với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng có thể sử dụng nguồn dự phòng trong ngắn hạn còn về dài hạn cần nghiên cứu, đưa ra các biện pháp, sản phẩm hỗ trợ khách hàng”, ông Bá Hùng nêu quan điểm.

Ban giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý rằng, do dư địa tài khóa vẫn còn nhiều, trong khi chính sách tiền tệ còn ít dư địa nới lỏng, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần. Trong bối cảnh này, IMF cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

“Chính phủ cần củng cố khuôn khổ tài khóa, quy trình lập ngân sách và tăng huy động thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển đầy tham vọng”, IMF khuyến nghị.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – Nhuệ Mẫn