Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1 triệu đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 23/10 chưa có biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 87,0 – 89,0 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay chưa có biến động sau khi nóng lên theo giờ trong ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 86,28 – 87,78 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 29,3 USD lên 2.749 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm 10,8 USD xuống 2.738,2 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York tăng 20,9 USD, tương ứng tăng 0,76% lên mức 2.759,8 USD/ounce.
Giá vàng tương lai tiếp tục tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mới khi biểu đồ kỹ thuật tăng giá tiếp tục thu hút các nhà giao dịch và nhà đầu tư vào thị trường này.
Một trọng tâm đối với các nhà giao dịch và nhà đầu tư trong tuần này là cuộc họp BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Mới đây, hãng thông tấn Associated Press cho biết, cuộc họp của khối BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển “nhằm mục đích cân bằng lại trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo.
Đồng thời, khối thành viên này đang mở rộng nhanh chóng. Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út đã tham gia vào tháng 1; Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn, và một số nước khác đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên”.
Một mục tiêu chính của khối BRICS là tránh xa thương mại toàn cầu do đồng đô la Mỹ thống trị, được gọi là “phi đô la hóa”. Khái niệm này có lợi cho thị trường vàng và bạc trú ẩn an toàn.
Trong một bài phỏng vấn mới đây, Daniel Ghali, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao của TD Securities cho biết, ngay cả khi một số động lực trên thị trường vàng đang thay đổi, vẫn còn nhiều dư địa để phân bổ tăng lên, và sự bất ổn về địa chính trị ở Hoa Kỳ và nước ngoài sẽ đặt ra một ngưỡng vững chắc dưới mức giá cao kỷ lục.
Đồng thời, ông Ghali đã nhấn mạnh: “Có rất nhiều lý do để mua vàng. Bất ổn địa chính trị, đặc biệt là ở Trung Đông, có lẽ đang ở mức cao nhất kể từ xung đột vùng Vịnh. Fed vừa bước vào chu kỳ nới lỏng… nói rõ hơn, về mặt lịch sử, điều này gắn liền với lợi nhuận tốt từ vàng trong nhiều tháng, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều bằng chứng cho thấy các nhà đầu tư thực sự đã chạy trước tất cả những điều này và đã định vị bản thân cho triển vọng đang diễn ra”.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương là thành phần chủ chốt trong đợt tăng giá kỷ lục của vàng, nhưng sức mạnh của xu hướng này hiện đang được tranh luận sôi nổi.
Ghali cũng chia sẻ thêm về cuộc bầu cử Hoa Kỳ và giá vàng có thể diễn biến thế nào sau kết quả bỏ phiếu không được giải quyết hoặc gây tranh cãi trong những ngày sau 5/11. “Câu hỏi tôi đặt ra trong đầu là, liệu điều đó có tạo ra nhu cầu bị dồn nén để bán vàng sau mùa bầu cử không? Điều đó vẫn phải chờ xem”, Ghali nói.
Với mức giá khoảng 2.738,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 84,96 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 4,04 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 104,09 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 23/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.250 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.038 – 25.463 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.412 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.190 – 25.462 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.520 đồng/USD và bán ra là 25.620 đồng/USD.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – N.T