11/11/2024 lúc 11:47

Đổi mới để nâng cao giá trị xuất khẩu chè Việt Nam

Việt Nam là quốc gia sản xuất chè hàng đầu, với hương vị độc đáo nhưng giá trị chè Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn thấp.

Trong số 6 loại cây công nghiệp chủ lực, chè là cây duy nhất có nguồn gốc từ Việt Nam, các loại cây khác đều được du nhập. Việc nâng cao giá trị chè Việt trên thị trường quốc tế hiện là nhiệm vụ quan trọng của các ngành liên quan.

Cây chè là cây công nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu
Cây chè được xếp vào 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực ngành nông nghiệp.
Ảnh: Tạp chí Thương gia

Xuất khẩu chè tiềm năng lớn nhưng “lạc” ở phân khúc thấp

Việt Nam hiện đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới, với sản phẩm đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu 15.000 tấn chè, thu về 26 triệu USD, tăng hơn 39% về lượng và 39,3% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 108.000 tấn và thu về 189 triệu USD, tăng gần 32% về lượng và hơn 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, đã giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tương đương mức giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân chính là do tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền núi phía Bắc đã lựa chọn chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, có năng suất và chất lượng thấp sang các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả.

Theo ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Việt Nam có lợi thế lớn về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây chè, đặc biệt là các vùng chè đặc sản nổi tiếng như Thái Nguyên, Sơn La và Lâm Đồng. Đáng chú ý, Việt Nam có gần 20.000 ha chè Shan rừng, với những vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao tại các khu vực như Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, và Tà Xùa (Sơn La).

“Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới”, ông Long khẳng định.

Tuy nhiên, nghịch lý đang tồn tại khi giá chè xuất khẩu của Việt Nam chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm. Theo thống kê, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 65% so với các nước dẫn đầu và 55% so với Ấn Độ và Sri Lanka. Cụ thể, giá xuất khẩu chè Việt Nam hiện chỉ đạt trung bình 1,7 USD/kg, trong khi mức giá trung bình thế giới là 2,6 USD/kg. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao giá trị chè Việt Nam trên thị trường quốc tế, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan để phát huy tiềm năng vốn có của ngành chè nước nhà.

Phân tích về nguyên nhân khiến giá chè của Việt Nam thấp trên thị trường quốc tế, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết nguyên nhân chính đến từ tâm lý “dễ mua, dễ bán” của nhiều doanh nghiệp trong ngành. “Thái độ mua bán dễ dãi khiến người sản xuất không trau chuốt, làm mới, đẩy ngành chè vào bẫy giá rẻ của thế giới”, ông nhận xét.

Theo ông Long, ngành chè đã trải qua một thời gian dài sản xuất manh mún, đầu tư nhỏ lẻ và không đồng bộ. Những năm trước, vào giai đoạn thị trường sôi động, hàng loạt xưởng sản xuất “mini” mọc lên, với nhiều địa phương xuất hiện đến 100 xưởng sản xuất, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dìm giá lẫn nhau. Đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải tạo được liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng thì mới nâng cao giá bán lên được. Cứ dìm nhau, phân tán, phân chia thị trường thì không thể thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới”.

Thay đổi để nâng tầm giá trị xuất khẩu chè Việt

Để làm giảm thực trạng này, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu chè đề xuất ngành chè cần thay đổi tư duy, không nên đặt nặng sản xuất giá rẻ và số lượng lớn. Đặc biệt trong bối cảnh chi phí nhân công ngày càng tăng và người lao động có nhiều lựa chọn việc làm tại các khu công nghiệp với thu nhập cao hơn.

Thay đổi để nâng tầm chè Việt
Để nâng cao giá trị chè Việt cần sự thay đổi đến từ các doanh nghiệp.
Ảnh: Tạp chí Thương gia

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, và đưa chè vào nhóm sáu cây công nghiệp chủ lực và là cây trồng trọng điểm, có đóng góp lớn cho ngành. Vì vậy, tất cả các vấn đề liên quan đến giải pháp kỹ thuật, định hướng phát triển cho từng khu vực và các chính sách đi kèm đều nhằm mục tiêu phát triển ngành chè một cách ổn định và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết rằng mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè trên toàn quốc sẽ duy trì ở mức khoảng 120 – 125 nghìn ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc chiếm khoảng 98 – 100 nghìn ha, vùng Bắc Trung Bộ 10 – 12 nghìn ha, vùng Tây Nguyên 8 – 10 nghìn ha, và phần còn lại sẽ được trồng tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam. Sản lượng chè hàng năm dự kiến đạt từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn.

Song song với quy hoạch vùng trồng, ngành chè sẽ tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như trồng cây che bóng, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa khâu đốn và thu hoạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Đến năm 2030, phấn đấu có trên 70% diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất GAP hoặc tương đương và được cấp mã số vùng trồng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, ngành nông nghiệp xác định việc ổn định diện tích trồng và xây dựng bộ giống chất lượng cao là những ưu tiên hàng đầu. Điều này sẽ giúp tạo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến, đạt tiêu chuẩn thị trường và phù hợp với thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Tạp chí Thương gia