Bỏ room tín dụng: Cần cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh hiện tại
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, từ khi được triển khai năm 2011, công cụ room tín dụng đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh rằng, việc bãi bỏ room tín dụng cần phải có một kế hoạch cụ thể và dài hạn.
Năm 2022, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về vấn đề hạn mức tín dụng (room tín dụng), trong đó có đề cập đến yêu cầu hướng tới việc loại bỏ công cụ này.
Tới thời điểm hiện tại , vấn đề “giữ hay loại bỏ room tín dụng” vẫn tiếp tục được đặt ra trong các buổi chất vấn và thảo luận tại nhiều phiên họp. Mặc dù vẫn giữ các quan điểm rằng room tín dụng không thể bãi bỏ ngay lập tức , nhưng gần đây, tại hội nghị thường trực Chính phủ cùng với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đã thông báo rằng NHNN đang nghiên cứu một kế hoạch để dỡ bỏ room tín dụng.
Mục tiêu này của NHNN được nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận. Một chuyên gia kinh tế từng nhận xét: “Việc loại bỏ room tín dụng giống như tháo bỏ những rào cản cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ được tự do quyết định việc cho vay dựa trên nhu cầu thị trường, khả năng tài chính và chiến lược phát triển của mình. Đồng thời, doanh nghiệp và cá nhân cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.”
Tuy nhiên, bài học từ những năm 2010 vẫn còn nguyên giá trị. Trước khi áp dụng room tín dụng, sự tăng trưởng của nguồn cung tiền không kiểm soát đã dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng vọt, tạo ra áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Việc quyết định giữ hay loại bỏ room tín dụng vẫn là một vấn đề cần được giám sát và phân tích kỹ càng để tránh lặp lại những khủng hoảng trước đây.
Sự biến động của tăng trưởng tín dụng
Về tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM nhận định rằng tăng trưởng tín dụng đang diễn biến theo chiều hướng không ổn định. Tín dụng đã giảm trong tháng 1 và tháng 2 sau đó lại “đảo chiều” tăng trong tháng 3. Tương tự, trong quý II và III, tăng trưởng tín dụng chững lại, có khi giảm trong hai tháng đầu, nhưng sau đó tăng mạnh vào tháng cuối.
“Vào cuối mỗi quý, tăng trưởng tín dụng lại ‘bật lên’ nhưng sau đó lại giảm khi bước vào quý mới. Dự báo, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10 và tháng 11 cũng sẽ đi ngang hoặc giảm, rồi có thể tăng trở lại trong tháng 12. Kịch bản này đã lặp đi lặp lại trong hai năm qua. Tăng trưởng tín dụng vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố chỉ tiêu của các ngân hàng để đạt được mức tăng trưởng mà NHNN đề ra,” ông Huân nhận định.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, sự chênh lệch trong tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng rất rõ rệt. Một số ngân hàng như ACB, Techcombank, HDBank, LPBank đã vượt chỉ tiêu và được cấp thêm room tín dụng, trong khi một số ngân hàng như ABBank lại có mức tăng trưởng âm.
Xét theo quy mô và hoạt động, tăng trưởng tín dụng cũng có sự phân hóa. Nhóm ngân hàng lớn (Big4) như Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank có tốc độ tăng trưởng chậm do tập trung vào quản lý nợ xấu và kiểm soát rủi ro.
Ngược lại, nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, VPBank và ACB lại ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng trên 10% trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ có mức tăng trưởng chậm, dưới 7%, do gặp khó khăn trong huy động vốn và tỷ lệ nợ xấu cao.
Nên bỏ, nhưng cần lộ trình phù hợp
Ông Nguyễn Hữu Huân đã thừa nhận rằng, công cụ room tín dụng đã phát huy những tác dụng nhất định kể từ khi được áp dụng vào năm 2011.
“Trước khi room tín dụng được thiết lập, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống giai đoạn 2007 – 2010 rơi vào khoảng 36%/năm, cá biệt có năm tăng 53,8%/năm. Việc áp room tín dụng là nhằm để hạn chế tình trạng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn hệ thống. Qua quá trình triển khai, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm xuống còn khoảng 12 – 14%/năm, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời, cũng kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định theo mục tiêu đề ra”, ông Huân cho hay.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, công cụ này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, chẳng hạn như sự không khớp nhau giữa cung và cầu tín dụng. Ví dụ, vào năm 2022, mặc dù nhu cầu tín dụng tăng cao, nhưng hệ thống ngân hàng lại không thể cho vay thêm do thiếu room.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân đồng ý rằng nên xem xét việc bỏ room tín dụng, nhưng cho rằng thời điểm hiện tại chưa phải là lúc thích hợp và cần có một lộ trình rõ ràng. Theo khuyến nghị của ông Huân, NHNN nên áp dụng song song cả room tín dụng và công cụ thị trường nhưng ưu tiên sử dụng các công cụ thị trường. Đồng thời, room tín dụng cần được điều chỉnh linh hoạt dựa trên tình hình thực tế của thị trường, thay vì giữ cố định một con số trong suốt cả năm.
“Để bỏ hoàn toàn room tín dụng, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi. Một khi các công cụ thị trường phát huy được hiệu quả vốn có, vai trò của room tín dụng sẽ không còn được thể hiện rõ, đấy sẽ là thời điểm thích hợp nhất để bỏ công cụ hành chính như room tín dụng”, ông Huân cho hay.
Chuyên gia Trần Ngọc Báu: Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Do đó, nhà điều hành nên tập trung nguồn lực để phát triển thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu,… để các doanh nghiệp tách dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, giảm tải rủi ro hệ thống từ những biến cố tín dụng. Phải mất 3 – 5 năm mới có thể đạt được mục tiêu này khi niềm tin vào vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu của đại đa số người dân và doanh nghiệp là rất thấp.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: vietnamfinance.vn