Gánh nặng kép của “lười đẻ”
Viễn cảnh dân số già cỗi làm dấy lên một loạt cuộc thảo luận về chính sách kích thích sinh đẻ.
“Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số”, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) dự báo. Theo đó, giai đoạn dân số già của quốc gia trăm triệu dân sẽ bắt đầu từ năm 2036, kéo dài trong 20 năm rồi chuyển đến giai đoạn dân số “siêu già”. Việt Nam đang là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Do đó, các chính sách an sinh xã hội, việc làm… đang được điều chỉnh, bổ sung để chuẩn bị cho thời kỳ dân số già.
Khuyến sinh chưa hiệu quả
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố năm 2023 cho thấy con số thấp nhất từ trước đến nay, mỗi phụ nữ Việt Nam chỉ sinh trung bình 1,9 con. Năm 2007, Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, khi dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) lớn gấp đôi nhóm tuổi phụ thuộc (dưới 15 và 65 tuổi trở lên). Đến năm 2039, giai đoạn cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc tại Việt Nam.
Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm gần 40% dân số cả nước, khiến chính sách dân số phân cực. Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, một số nội dung khuyến khích, hỗ trợ sinh con và sinh đủ 2 con tại vùng mức sinh thấp cần được rà soát, nghiên cứu, thí điểm triển khai hoặc ban hành như hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, quy định thưởng tiền được đề xuất áp dụng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi tại một số tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp. Nhưng gốc rễ của tình trạng tỉ lệ sinh thấp do chính sách tại Việt Nam không gây hiệu quả trầm trọng như tại Trung Quốc, mà liên quan đến chi phí sinh hoạt và lối suy nghĩ của thế hệ mới nhiều hơn. “Tôi chỉ sinh con khi đã chuẩn bị tài chính đầy đủ”, Bảo Hân, nhân viên văn phòng độc thân 28 tuổi, nói. Một vài đồng nghiệp thuộc thế hệ đầu 9X của cô chọn chỉ sinh 1 con để có thể đầu tư chu toàn cho con.
Một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu và Đông Á, đang phải đối mặt với tình trạng dân số suy giảm đáng kể. Hàn Quốc, Singapore, Nhật là những quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Các yếu tố góp phần vào tình trạng suy giảm này bao gồm yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tỉ lệ sinh giảm trên toàn thế giới đã thúc đẩy nhiều quốc gia thực hiện các chính sách nhằm tăng khả năng sinh sản. Những chính sách này thường thuộc 1 trong 2 loại chính, khuyến khích kinh tế hoặc hỗ trợ xã hội. Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc được thực hiện trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19, từ năm 2015-2019, cho biết một biện pháp được hầu hết các chính phủ áp dụng là chế độ nghỉ thai sản có lương hoặc không lương với sự đảm bảo việc làm. Mặc dù các chính sách này có thể có tác động nhất định đến tỉ lệ sinh, nhưng chúng thường phải đối mặt với những thách thức như sự thay đổi thái độ của những người trẻ đối với gia đình và sự nghiệp, tình hình kinh tế không chắc chắn và các yếu tố xã hội.
Biến động của dân số thế giới
Dự báo dân số thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 50 hoặc 60 năm tới, đạt đỉnh khoảng 10,3 tỉ người vào giữa những năm 2080, tăng từ mức 8,2 tỉ người vào năm 2024. “Sau khi đạt đỉnh, dân số toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu giảm dần, giảm còn 10,2 tỉ người vào cuối thế kỷ”, báo cáo về Triển vọng dân số Thế giới 2024 viết.
Việt Nam nằm trong số 48 quốc gia và khu vực, chiếm 10% dân số thế giới, sẽ đạt đỉnh trong khoảng năm 2025-2054. Tại 126 quốc gia và khu vực còn lại, dân số có khả năng tiếp tục tăng đến năm 2054 và có khả năng đạt đỉnh vào cuối thế kỷ hoặc sau năm 2100.
Hiện nay, gần 1/5 trong số tất cả các quốc gia và khu vực, bao gồm Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc và Tây Ban Nha, đang trải qua tình trạng đôi khi được gọi là tỉ lệ sinh sản “cực thấp”, với chưa đến 1,4 ca sinh con sống trên mỗi phụ nữ trong suốt cuộc đời.
Các quốc gia có dân số dự kiến đạt đỉnh vào năm 2054 có xu hướng có cơ cấu tuổi trẻ hơn, có lợi cho sự tăng trưởng liên tục. Tại 25 quốc gia và khu vực như vậy, bao gồm Brazil, Iran và Việt Nam, động lực tăng trưởng trong quá khứ được dự báo là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số trong những thập kỷ tới.
“Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ hội nhân khẩu học để khai thác lợi tức dân số”, UNFPA kết luận. Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua các chính sách về giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại mới và nâng cao năng suất lao động.
Kể từ năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già”. UNFPA khuyến nghị “cần có hành động sớm để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và chính sách phát triển kinh tế – xã hội ứng phó với già hóa dân số”. Các biện pháp đó bao gồm cung cấp an sinh xã hội cho nhóm dân số cao tuổi, khuyến khích người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế và cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, đặc biệt là những người từ 80 tuổi trở lên và phụ nữ lớn tuổi.
Nguồn: Nhịp cầu Đầu Tư – Hằng Thanh