Ngân hàng dè dặt tín dụng xanh, thích cho vay bất động sản
(VNF) – Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các ngân hàng vẫn chưa thực sự mặn mà với tín dụng xanh và động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN hơn là nhu cầu phát triển của các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng chưa mặn mà với tín dụng xanh
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá”, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, nhận định, cùng với xu thế chung của thế giới, hoạt động tín dụng xanh tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến trong những năm qua.
Dẫn chứng cho nhận định này, bà Hoàng Anh cho hay, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đều đặn qua các năm, tăng từ gần 60 nghìn tỷ đồng vào năm 2018 lên hơn 340 nghìn tỷ đồng vào năm 2023, với mức tăng trung bình 48,91%/năm. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ cũng tăng từ mức 3,33% vào năm 2018 lên mức 4,5% vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 40%), dư nợ tín dụng xanh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây (chiếm khoảng 30%) tính đến năm 2023.
“Nhìn chung, các sản phẩm tín dụng xanh ngày càng phong phú, đa dạng theo các chương trình khác nhau của Chính phủ. Sự phát triển của tín dụng xanh thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu vốn xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hoàng Anh nhận định.
Ở mặt hạn chế, bà Hoàng Anh cho rằng dù có những bước tiến về cả lượng và chất nhưng tín dụng xanh vẫn chưa thể phát triển theo đúng tiềm năng vốn có và tăng trưởng tín dụng xanh vẫn chưa thực sự bền vững.
Về phía các tổ chức tín dụng, phát triển tín dụng xanh, nguồn vốn xanh đặt ra yêu cầu về nguồn vốn tương đối lớn cho ngành ngân hàng.
“Thực tế cho thấy động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN hơn là nhu cầu phát triển của các ngân hàng thương mại”, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các ngân hàng hiện vẫn còn khá dè dặt với tín dụng xanh và chỉ thích cho vay bất động sản.
“Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà chi phí thực hiện tài chính xanh trên thực tế thường cao hơn khá nhiều so với thông thường. Chưa kể, hiện Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động tín dụng xanh và tài chính xanh.
Các dự án xanh đòi hỏi nhiều chi phí, thời gian hoàn vốn lâu, thậm chí là có thể mất vốn nếu dự án không hiệu quả. Điều này khiến các ngân hàng thương mại có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nợ xấu khi cho vay các dự án xanh”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng xanh do còn thiếu các thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng cũng như gặp nhiều khó khăn với yêu cầu để được cấp tín dụng xanh.
“Khung chính sách liên quan đến cấp vốn tín dụng xanh còn thiếu, những chính sách ưu tiên, dù là nhỏ nhất, như ưu tiên về lãi suất, kỳ hạn hay cho vay không cần thế chấp tài sản đảm bảo, cũng chưa có nhiều. Thẳng thắn mà nói, Việt Nam chưa thực sự có gì về tài chính xanh, tín dụng xanh”, ông Nghĩa nhận định.
Làm sao để khơi dòng tín dụng xanh?
Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng Hoàng Anh cho rằng, một trong những điều kiện tiên quyết để khơi dòng vốn tín dụng xanh là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ.
Bà Hoàng Anh lưu ý thêm, trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh, không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay…).
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng cơ quan quản lý cần sớm ban hành danh mục dự án xanh cũng như bổ sung tín dụng xanh là lĩnh vực được hưởng lãi suất ngắn hạn tối đa.
“Ngoài ra, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực của các bên liên quan về tín dụng xanh, trái phiếu xanh bằng cách tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin thông qua các chiến dịch truyền thông về tín dụng xanh, trái phiếu xanh”, bà Nguyễn Thị Hải Bình nói.