25/10/2024 lúc 15:42

Chuyên gia gợi mở chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao

Việt Nam đã duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao kể từ đầu những năm 1990, nhờ vào các cải cách kinh tế và sự mở cửa với thế giới. Song, để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta còn đứng trước nhiều thách thức ở phía trước…

Mới đây, tại thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) phối hợp với Đại học Đông Á tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”.

Chuyen-gia-goi-mo-chien-luoc-dua-Viet-Nam-tro-thanh-quoc-gia-co-thu-nhap-cao
Để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang đứng trước những thách thức ở phía trước.

Tại Hội thảo, Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch ERIA, chia sẻ rằng từ Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao đã được đặt ra. Để hỗ trợ đạt mục tiêu này, ERIA cùng 30 chuyên gia từ nhiều quốc gia đã xây dựng báo cáo “Việt Nam 2045: Các vấn đề và thách thức đối với phát triển”. Báo cáo này, với 600 trang và 21 chương, phân tích sâu về các yếu tố lịch sử, mô hình phát triển, các ngành công nghiệp mũi nhọn, tính bền vững, và những khuyến nghị chính sách.

Tham luận tại Hội thảo, Giáo sư Trần Văn Thọ từ Đại học Waseda (Nhật Bản) nhấn mạnh rằng Việt Nam cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), cũng như đẩy mạnh cải cách thể chế để duy trì tăng trưởng dài hạn. Ông khuyến nghị tập trung vào công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao giáo dục, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).

Chuyen-doi-so-Cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tri-tue-nhan-tao-se-la-dong-luc-thuc-day-nen-kinh-te-so-cua-Viet-Nam
Chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam, cho biết Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo mục tiêu đặt ra vào năm 2045.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ rằng chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam tiến tới nền kinh tế thu nhập cao. Ông nhấn mạnh cần phát triển nguồn nhân lực công nghệ và cải thiện hạ tầng pháp lý để hỗ trợ chuyển đổi số.

Đánh giá về tiềm năng và thách thức trước mắt, Giaó sư Yasuhiro Yamada từ ERIA nhận định Việt Nam cần tập trung vào nâng cao năng suất và phát triển công nghệ số. Các ngành công nghiệp chủ chốt như điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, dệt may, ô tô và chăm sóc sức khỏe có thể sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Hội thảo “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045” quy tụ gần 200 chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực, cùng đại diện lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản.

Hội thảo gồm bốn phiên làm việc và một diễn đàn, với các báo cáo chuyên sâu về kinh tế, công nghiệp và chuyển đổi số, nhằm xác định lộ trình và những chính sách chiến lược để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Các chuyên đề như mô hình phát triển cân bằng, chuyển đổi số và công nghiệp hóa đã được đưa ra thảo luận.

Nguồn: Thời báo ngân hàng – Nghi Lộc